.
Doanh nghiệp khai thác, vận chuyển khoáng sản:

Cam kết bảo vệ môi trường

.

“Không để đất, đá rơi vãi trên đường; chạy xe đúng tốc độ quy định; xây bể nước rửa xe; quét dọn vệ sinh, tưới nước trên đường…”, đó là những nội dung quan trọng mà các doanh nghiệp khai thác, vận chuyển khoáng sản đã cam kết thực hiện với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (PC49 – Công an thành phố Đà Nẵng) ngày 11-9 vừa qua.

Doanh nghiệp kêu dân làm khó dễ (!?)

Tại buổi ký cam kết, các doanh nghiệp (DN) hoạt động khai thác đá, đất đồi ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang cho rằng, người dân làm khó DN trong khi DN đã thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ đối với dân. Đại diện các DN cho biết, trước đây, để đảm bảo vệ sinh môi trường, UBND xã Hòa Nhơn yêu cầu DN có trách nhiệm tưới nước.

Do vậy, các DN đã bỏ tiền và thuê dân tưới, nhưng được 6 tháng thì họ không làm nữa và tiến hành chặn xe buộc DN phải thuê các đơn vị khác tưới với chi phí cao hơn. Làm đúng 1 tháng, người dân yêu cầu không tưới nước nữa, vì cho rằng tưới như vậy bẩn đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là các em học sinh.

Trước tình hình đó, đầu tháng 5-2015, UBND xã Hòa Nhơn đã họp dân và các DN để đi đến thống nhất phương án người dân tiếp tục quét dọn vệ sinh, các DN trả tiền. Cụ thể, các DN nộp tiền thông qua UBND xã. Xã có trách nhiệm phân phát về các tổ ở thôn Phước Thuận. Bắt đầu từ ngày 15-5-2015, 6 DN hoạt động khai thác ảnh hưởng đến đời sống nhân dân thôn Phước Thuận nộp tiền.

Một cán bộ phụ trách giảm nghèo xã Hòa Nhơn cho biết, tại thôn Phước Thuận có 66 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, có 19 hộ nhận 350.000 đồng/tháng/hộ, 38 hộ nhận 250.000 đồng/tháng/hộ, 3 hộ nhận 570.000 đồng/tháng/hộ, 6 hộ nhận 470.000 đồng/tháng/hộ.

Tuy nhiên, các DN cho rằng, mặc dù đã nhận tiền, nhưng người dân không chịu quét đường, họ lại gây khó, chặn đường, ra yêu sách. Người dân chỉ cho xe chạy trong giờ hành chính, không chạy ngày chủ nhật, ảnh hưởng đến hoạt động của DN…

Cần chung tay bảo vệ môi trường

Hiện trên địa bàn thành phố có 33 DN khai thác đá, 8 DN khai thác đất đồi, 3 DN khai thác cát, 1 DN khai thác đất sét được UBND thành phố cấp phép. Hầu hết các DN đã có cam kết, đánh giá tác động môi trường.

Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng PC49 cho biết, năm 2015, thành phố triển khai “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, đòi hỏi sự chung tay của toàn thành phố, trong đó có các DN khai thác, vận chuyển đất, đá. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều DN không chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường cũng như an toàn giao thông, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, gây bức xúc cho nhân dân.

Trước tình hình đó, Đại tá Trần Thanh Nhơn yêu cầu các DN trong quá trình khai thác phải chấp hành đúng pháp luật. Đặc biệt, phải xây dựng bể nước rửa xe trước khi cho xe vận chuyển ra đường; che chắn, không để rơi vãi đất, đá; tưới nước đảm bảo vệ sinh môi trường trên đường đi. Nhằm hạn chế bụi, các chủ DN cần phải tính toán, giãn lượng xe chạy trên đường.

Bên cạnh đó, phải chở đúng trọng tải, đảm bảo an toàn giao thông. “Để đảm bảo tính mạng cho người dân, các DN cần phải loại bỏ những tài xế không có ý thức bảo đảm an toàn giao thông, xem thường tính mạng của người dân”, Đại tá Nhơn khuyến cáo.

Theo cam kết, từ 30 ngày sau khi ký, các DN phải xây dựng bể chứa nước rửa xe, nếu kiểm tra mà DN không thực hiện sẽ xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác, DN nào nhiều lần vi phạm về bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng sẽ đề xuất với thành phố rút giấy phép.

Tại buổi ký cam kết, 35 vị đại diện cho hơn 40 DN khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố hứa sẽ chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường cũng như an toàn giao thông; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.

Với việc ký cam kết này, hy vọng trong thời gian đến, tình hình ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông do xe ben chở đất, đá gây ra sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.