Chỉ chiếm khoảng 1/4 trong tổng số 24 đề tài khoa học được báo cáo tại Hội thảo “Công nghệ xây dựng tiên tiến hướng đến sự phát triển bền vững” vừa được tổ chức, nhưng các đề tài nghiên cứu về nguồn nước ở Đà Nẵng của các giảng viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đều “gõ’ trúng những vấn đề nóng của thành phố.
Theo nhóm tác giả Hoàng Ngọc Tuấn, Thái Thúc Thuận, cần chống sạt lở hai bờ các con sông của thành phố để giữ nguồn nước. Trong ảnh: Sông Cái đoạn chảy qua cầu Khuê Đông. |
Theo PGS, TS Trương Hoài Chính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, những năm qua, nhiều thành phố lớn - trong đó có Đà Nẵng, phải đối đầu với những thách thức lớn trong quá trình phát triển đô thị như ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước, quy hoạch hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, thiếu điều tiết dẫn đến thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông...
Các nhà khoa học tự thấy trách nhiệm của mình trong việc phản biện, nghiên cứu giúp cho các nhà quản lý có thêm cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo. Trên tinh thần đó, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của công trình giao thông đến ngập lụt ở Đà Nẵng” do nhóm tác giả Tô Thúy Nga, Lê Hùng thực hiện đã chọn tuyến đường sắp khởi công là đường vành đai phía Nam, đoạn Hòa Phước-Hòa Khương, tuyến được ví von như là “đê chắn lũ” để nghiên cứu. Qua đo đạc, tính toán cho thấy, khi tuyến đường này hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ làm thay đổi đáng kể về mực nước dâng cho cả khu vực.
Công trình này sẽ làm cho vùng nước ở thượng lưu dâng cao hơn bình thường, ở vị trí cao nhất có thể đạt 0,8 mét và thời gian ngập lụt sẽ kéo dài gấp đôi so với hiện trạng. Trong khi đó, vùng hạ lưu mức độ giảm lũ sẽ rất nhỏ vì diện ngập lụt được trải rộng trên toàn vùng. Đây được xem là “lời nhắc nhở” rất quan trọng cho thành phố phải chú ý đến các yếu tố tác động của thời tiết về hậu quả công tác xây dựng để có những điều chỉnh ngay từ bây giờ giúp tuyến đường phát huy tốt nhất hiệu quả.
Cũng tập trung nghiên cứu về vấn đề thoát nước, nhóm tác giả Phan Thị Kim Thủy, Trần Văn Quang và Hoàng Ngọc Ân với đề tài “Đặc điểm nước thải trong hệ thống thoát nước chung: Nghiên cứu điển hình tại thành phố Đà Nẵng”. Sau khi lấy mẫu nước thải trong hệ thống nước thải thuộc hai lưu vực thu gom Hòa Cường và Phú Lộc, cũng như lấy một số mẫu nước thải từ các hộ gia đình thải ra hệ thống cống cho thấy hệ thống nước thải tại thành phố chất lượng nước thu gom về các trạm xử lý không ổn định về lưu lượng lẫn tính chất thành phần; thành phần các chất hữu cơ không tan có kích thước lớn, nồng độ các chất hữu cơ ở dạng hòa tan và phân tán nhỏ và thấp.
Đây là lưu ý rất đáng quan tâm khi lựa chọn, vận hành cũng như khả năng áp dụng các công nghệ xử lý nước thải của thành phố. Trong khi đó, đề tài “Nghiên cứu xử lý bùn cặn phát sinh từ trạm xử lý nước thải đô thị tại Đà Nẵng” của nhóm tác giả Dương Gia Đức, Trần Văn Quang và Võ Đình Pho đi tìm giải pháp cho vấn đề nước thải mà lâu nay làm cho công tác vận hành các hồ xử lý nước thải của thành phố rất vất vả là cặn bùn lắng đọng. Nhóm tập trung nghiên cứu xác định thông số tốc độ phân hủy cặn bùn ở giai đoạn lên men (lên men nóng), xác định thông số tốc độ phân hủy cặn bùn chế độ liên tục (lên men ấm).
Từ đó đã đề xuất phương án thu gom nước riêng, nhằm mục đích tách chất thải rắn, ni-lông, cỏ cây, bùn cặn... để loại bỏ tạp chất có kích thước lớn làm ráo nước, vận chuyển và chôn lấp, phần bùn cặn tách ra từ công trình cơ sinh học và sinh học có chứa các chất hữu cơ dễ phân hủy, sau đó xử lý bằng phương pháp phân hủy kỵ khí. Đây được xem như là sự tư vấn hết sức có ý nghĩa với các trạm xử lý nước Hòa Cường và Phú Lộc hiện nay.
Đề tài “Đánh giá tài nguyên nước mặt thành phố Đà Nẵng có xét điều kiện biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội và đề xuất định hướng khai thác sử dụng nước đến năm 2050” của nhóm tác giả Hoàng Ngọc Tuấn, Thái Thúc Thuận, có thể nói mang đậm tính thời sự khi những tháng nắng nóng vừa qua, nguồn nước ngọt cung cấp cho thành phố đã bị nhiễm mặn nặng. Theo những số liệu do nhóm nghiên cứu phân tích thì dự báo đến năm 2020, nguồn nước sạch sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của thành phố, và đến năm 2025 chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu.
Tuy nhiên, những dự báo vẫn chưa tính hết các yếu tố khác tác động xấu đến nguồn nước như hạn hán, việc xây dựng các hồ chứa nước thủy điện vùng thượng lưu sẽ khiến cho nguồn cung cấp nước ngọt ở thành phố bị thiếu nghiêm trọng.
Trên cơ sở đánh giá lại nguồn tài nguyên nước, nhóm tác giả đã đề xuất giải pháp khai thác và quản lý tài nguyên nước như triển khai công tác xây dựng chống xói lở bồi lắng trên các sông, đặc biệt là trên các nút phân lưu, nhập lưu đổ về sông Cầu Đỏ để tăng lưu lượng dòng chảy trên sông; ban hành quy chế vận hành liên hồ, điều chỉnh quy trình vận hành công trình đập dâng An Trạch, trong đó bổ sung nhiệm vụ điều tiết dòng chảy về hạ lưu; sớm xây dựng nhà máy nước Hòa Liên để khai thác nguồn nước sông Cu Đê bổ sung nguồn cấp nước ngọt cho thành phố; xây dựng các hồ chứa thượng nguồn để tăng nguồn dự trữ nước...
Bài và ảnh: Thanh Vân