Môi trường
Cải thiện ô nhiễm nguồn nước thải
Nếu trước đây, ô nhiễm nguồn nước xung quanh Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh diễn ra phức tạp, nhiều hộ dân ở đây phải hứng chịu nước thải của các doanh nghiệp (DN) hoạt động tại KCN này xả thẳng ra môi trường. Nhưng từ khi Trạm xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) tại KCN Hòa Khánh được cải tạo, đầu tư nâng cấp, tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải cơ bản đã được khống chế.
Việc Urenco lập dự án cải tạo, nâng cấp Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh, nên nguồn nước thải sau hệ thống xử lý luôn đạt tiêu chuẩn theo quy định. |
Nước thải về trạm ngày một tăng
Theo quy định, tất cả các DN hoạt động trong KCN phải thực hiện việc XLNT bảo đảm theo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Thế nhưng, không ít DN đã phớt lờ việc XLNT mà lén lút “xả trộm” ra môi trường.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2009, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho Urenco lập dự án cải tạo, nâng cấp Trạm XLNTTT KCN Hòa Khánh, bảo đảm nước thải sau hệ thống xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp theo quy định, đầu tư xây dựng Trạm XLNTTT tại KCN Hòa Khánh mở rộng; đồng thời yêu cầu các DN thực hiện việc đấu nối hệ thống XLNT đến Trạm XLNTTT để bảo đảm về mặt môi trường.
Ông Ngô Lê Quảng – Giám đốc Chi nhánh Urenco miền Trung cho biết: Kể từ khi Urenco tiếp nhận quản lý Trạm XLNT KCN Hòa Khánh, ban lãnh đạo công ty đã đầu tư nâng cấp Trạm XLNTTT bài bản với công nghệ sinh học xử lý 24/24giờ. Hằng năm, Urenco chi từ 100-300 triệu đồng để bảo vệ duy tu định kỳ. Hiện công suất và năng lực xử lý của trạm đạt 5.000m3/ngày đêm và hoạt động tương đối ổn định.
Cũng theo ông Quảng, trong thời gian qua, đơn vị đã vận động và đề nghị các DN thực hiện việc ký hợp đồng XLNT để bảo đảm môi trường; đồng thời được sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc yêu cầu các DN thực hiện đấu nối, nên các DN thực hiện việc đấu nối vào Trạm XLNTTT đã có những chuyển biến tích cực. Hiện tình trạng “xả lén” nước thải tại KCN Hòa Khánh đã cơ bản được khống chế, môi trường trong KCN và khu dân cư được cải thiện. Các chất thải công nghiệp qua xử lý đều đạt tiêu chuẩn cho phép, đảm bảo an toàn cho môi trường.
Theo báo cáo của Chi nhánh Urenco miền Trung, nếu thời điểm trước, lượng nước thải về trạm xử lý chỉ đạt trung bình 2.900m3/ngày đêm thì nay tăng lên 4.600m3/ngày đêm (tăng thêm 1.700m3/ngày đêm). Lượng nước thải về trạm tăng do lực lượng chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng xả thải của các DN hoạt động tại 3 KCN nói trên. Ngoài ra, các DN hoạt động tại KCN đã chấp hành tốt việc thực hiện đấu nối xử lý nước thải đến Trạm XLNTTT tại KCN Hòa Khánh do Urenco quản lý và vận hành.
Sẽ đầu tư cải tạo hệ thống thu gom nước thải
Theo Urenco miền Trung, trong tổng số 190 dự án tại KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng và KCN Thanh Vinh, hiện đã có 161 dự án thực hiện đấu nối xử lý nước thải đến TXLNTTT, số DN còn lại chưa đấu nối là do đang xây dựng hoặc chưa đưa vào hoạt động.
Ông Quảng cho rằng, với tỷ lệ đấu nối tăng và lượng nước thải về TXLNTTT tăng thì việc xử lý ô nhiễm nguồn nước tại KCN sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, Urenco đang gặp không ít khó khăn vì đơn giá xử lý nước thải được thành phố ban hành từ năm 2012 dựa trên định mức áp giá từ năm 2010 đến thời điểm này là không hợp lý vì mức quá thấp; trong khi đó so với thời điểm 2015, mọi chi phí nguyên nhiên liệu đã trượt giá từ 40 – 45%.
Một khó khăn nữa hiện nay là công nợ XLNT và lắp đặt đồng hồ tạm tính đến ngày 30-9-2015 đã lên tới gần 2,4 tỷ đồng; trong đó số nợ khó đòi là gần 1 tỷ đồng do DN giải thể hoặc khó khăn không có khả năng trả nợ.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, để không ảnh hưởng đến môi trường của thành phố, ngành TN-MT yêu cầu các dự án đầu tư mới vào KCN phải đầu tư hoàn chỉnh các công trình xử lý chất thải theo quy định trước khi đi vào hoạt động chính thức.
Bên cạnh những giải pháp quyết liệt trong việc yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng hệ thống XLNTTT, ngành TN-MT cũng dần đạt chỉ tiêu 100% dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ sạch, thân hiện với môi trường. Cũng theo ông Điểu, hệ thống thu gom nước thải đường số 4 KCN Hòa Khánh được đầu tư năm 2003 là tuyến ống chính dẫn nước thải về Trạm XLNTTT KCN Hòa Khánh. Đến nay, hệ thống này đã xuống cấp, bị hư hỏng nặng, thường xuyên xảy ra sự cố nước thải tràn ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố vừa ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom nước thải tại KCN Hòa Khánh với kinh phí 39 tỷ đồng. Theo đó, quy mô đầu tư của dự án là xây dựng mới hệ thống thu gom nước thải trên đường số 4 KCN Hòa Khánh, và trong năm 2015 sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai trong 2 năm 2016-2017.
Và việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống thu gom nước thải nói trên sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1-10-2013.
Trong khi chờ đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom nước thải tại KCN Hòa Khánh, ông Quảng đề nghị các ngành chức năng của thành phố tiếp tục tăng cường rà soát, phân loại các DN sản xuất trong KCN có lượng nước thải lớn, nồng độ ô nhiễm cao, không chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các DN cần thực hiện nghiêm túc cam kết theo hồ sơ môi trường đã được cơ quan chức năng phê duyệt; thực hiện công tác đấu nối nước mưa, nước thải và xử lý nước thải theo quy định trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom của KCN. Ngoài ra cũng đề nghị thành phố cần tăng mức giá xử lý nước thải phù hợp, vì hiện giá xử lý nước thải được áp dụng khung giá khá thấp so với mức giá tại các KCN khác trên cùng địa bàn.
Bài và ảnh: Phương Anh