.

Tái chế rác góp phần bảo vệ môi trường

.

Từ rác thải, bằng những bàn tay khéo léo của các cô cậu học trò đã tạo ra những vật dụng hữu ích cho cuộc sống hằng ngày. Chính các em đã góp phần tích cực trong việc tham gia bảo vệ môi trường ở địa phương.

Những rác thải tưởng chừng như bỏ đi, các em đã tạo ra những vật dụng có ích cho cuộc sống.
Những rác thải tưởng chừng như bỏ đi, các em đã tạo ra những vật dụng có ích cho cuộc sống.

Cuối tháng 10-2015, các em học sinh khối lớp 5, Trường tiểu học Hòa Khương 2 (huyện Hòa Vang) được thử sức cuộc thi “Tái chế rác thải”. Bằng những vật dụng như chai lọ, nắp chai, giấy, bao bì… đã qua sử dụng, trong thời gian 20 phút, các em đã sáng tạo ra những vật dụng hết sức hữu ích như bình hoa, đèn ngủ hay bản đồ Việt Nam xinh đẹp. Em Trần Vi Nhã Uyên, lớp 5/1 cho biết: “Từ những vật dụng tưởng chừng đã bỏ đi, chúng em tái chế ra các vật dụng có thể sử dụng được trong cuộc sống hằng ngày, qua đó hạn chế tình trạng rác thải ra môi trường sống”.

Cầm trên tay chiếc đèn ngủ để bàn, em Anh Thư, lớp 5/2 cho biết: “Từ những vỏ chai nước ngọt, đĩa CD cũ, lõi cuộn keo dán, chì màu thừa, hạt vòng đeo tay bị hỏng – những vật dụng tưởng chừng như vứt đi, chúng em đã tạo ra một chiếc đèn ngủ thật xinh xắn.

Chiếc đèn ngủ này có thể sử dụng tốt vào những đêm mất điện, cũng như làm vật trang trí nhỏ xinh trên bàn học. Hy vọng, với ý tưởng và việc làm nhỏ bé của mình, chúng em sẽ góp phần nhỏ vào việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong học sinh”. Bên cạnh tạo ra những vật dụng trong gia đình, nhiều em học sinh còn tạo ra các bộ áo thời trang từ lon bia, bao ni-lông, giấy báo… và đã có một show diễn thời trang ấn tượng tại trường, trước sự ngỡ ngàng của các bậc phụ huynh.

Ông Nguyễn Châu, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho rằng, tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm phát huy tính sáng tạo và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của các em học sinh trong việc thiết kế, chế tạo các mô hình và sản phẩm hữu dụng từ các vật liệu phế thải.

Theo ông Châu, Trường tiểu học Hòa Khương 2 là một trong 2 trường được UBND huyện Hòa Vang chọn triển khai thí điểm thực hiện chương trình “Trường học xanh” theo tiêu chuẩn của UBND thành phố. Vì vậy, ông hy vọng cùng với sự nỗ lực của nhà trường, sự quan tâm của các ban, ngành, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các tổ chức trong và ngoài nhà trường sẽ góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và nếp sống văn minh cho các em học sinh.

Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Khương 2, cô Lê Thị Thúy Vân cho rằng, trái đất ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng vì những hoạt động khai thác, sản xuất với quy mô lớn của thời kỳ công nghiệp hóa. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường “xanh - sạch - đẹp” là nhiệm vụ của tất cả mọi người, đặc biệt là các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước. Là một ngôi trường được chính quyền địa phương quan tâm trong vấn đề bảo vệ môi trường, việc tuyên truyền, nhắc nhở học sinh có ý thức bảo vệ môi trường thường xuyên được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm.

Để gìn giữ môi trường trong lành, nhà trường đã mua thùng rác đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong trường tạo thuận lợi cho học sinh trong việc làm vệ sinh. Không những vậy, vệ sinh, bảo vệ môi trường còn được đưa vào nội dung trong các đợt thi đua, có sơ kết, tuyên dương, khen thưởng kịp thời, điều đó không chỉ giúp môi trường luôn sạch sẽ mà còn góp phần tạo ra không khí thi đua sôi nổi giữa các lớp học, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.