Môi trường

Xử lý ngập trong đô thị

08:08, 11/12/2015 (GMT+7)

Tình hình ngập trong đô thị năm 2015 đã được cải thiện đáng kể với 13/58 điểm đã được xử lý. Các điểm ngập nặng và kéo dài từ nhiều năm qua ở trung tâm thành phố đang được lập dự án đầu tư xử lý trong năm 2016.

Thi công tuyến thoát nước đường Bà Huyện Thanh Quan, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.
Thi công tuyến thoát nước đường Bà Huyện Thanh Quan, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Theo Sở Xây dựng, năm 2015 trên địa bàn thành phố có lượng mưa thấp nên tình hình ngập ít ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống người dân.

Tuy nhiên, vào tháng 9-2015, do ảnh hưởng của bão số 3 đã có lượng mưa lớn, nhưng đã có 13 điểm ngập đã được xử lý. Các điểm ngập được xóa như khu vực chuyển hướng tàu ga đường sắt, khu H3 khu dân cư An Hải Bắc, khu vực đình làng Mân Quang, các tổ dân phố 54, 55, 58 và 59 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, tuyến đường Phó Đức Chính, các khu dân cư Đông Hải, An Hải và Đông Trà ở quận Ngũ Hành Sơn; các tổ 17, 18, 19 và 20 phường Hòa Hiệp Bắc, các tổ 6, 7, 8, 9 và 10 phường Hòa Hiệp Nam, các khu dân cư Thanh Vinh 2, Đa Phước 3 và 4, đường Nguyễn Công Hoan và các khu vực phía trước Trường THPT Phạm Phú Thứ và đường ĐT 602.

Ngoài ra, cũng có 15 điểm ngập khác được đầu tư xử lý bằng giải pháp tạm thời, cải tạo sửa chữa giải quyết tình trạng ngập. Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, cho biết năm 2015, UBND thành phố đã tập trung công tác chống ngập đô thị, phê duyệt kế hoạch xử lý thoát nước.

Thông qua kế hoạch, thành phố đã tập trung các nguồn lực đầu tư, trong đó chú trọng nạo vét hệ thống thoát nước, đầu tư xây dựng mới các công trình thoát nước và xử lý ngập úng. Ngoài ra, thành phố cũng ban hành danh mục công trình nạo vét mương cống ưu tiên hằng năm.

Qua đây, các đơn vị chức năng được chủ động tiến hành nạo vét mương cống nhằm đảm bảo thoát nước trong mùa mưa. Theo đó, quận Hải Châu có 6 tuyến gồm đường Hải Hồ và khu vực lân cận; các tuyến đường Núi Thành, Quang Trung, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành và tuyến cống từ sân bay ra hồ Khuê Trung.

Khu vực quận Thanh Khê có 6 tuyến kênh, cống. Quận Sơn Trà có 5 tuyến cống ưu tiên nạo vét. Quận Liên Chiểu có 8 tuyến cống; quận Cẩm Lệ có 4 tuyến cống, quận Ngũ Hành Sơn có 1 tuyến. Tổng kinh phí thực hiện ưu tiên nạo vét đối với 21 tuyến cống, 7 kênh và 2 mương thoát nước theo danh mục hơn 75 tỷ đồng.

Đối với các công trình, dự án thoát nước vốn là điểm nóng của tình trạng ngập đô thị được lập kế hoạch đầu tư và thi công trong năm 2016. Cụ thể, khu vực nút giao thông đường Quang Trung - Đống Đa và đường Đống Đa đoạn từ đường Quang Trung - Lý Tự Trọng được đưa vào dự án Phát triển bền vững với kinh phí 16,6 tỷ đồng.

Nâng cấp hạ tầng thoát nước các đường Hùng Vương, Lê Duẩn kinh phí thực hiện 6 tỷ đồng. Hệ thống thoát nước quanh hồ Thạc Gián- Vĩnh Trung với các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Văn Cao, Tản Đà, Tô Ngọc Vân và Đỗ Quang.

Cùng với việc nâng cấp cống thoát, cửa xả, còn có trạm bơm cưỡng bức cuối tuyến cống đường Ông Ích Khiêm với kinh phí 53 tỷ đồng. Riêng khu vực đường Đỗ Quang và Nguyễn Hoàng được nâng cao trình mặt đường, nâng cấp tuyến cống Mê Linh với kinh phí thực hiện 27,4 tỷ đồng.

Nguồn vốn của dự án Phát triển bền vững cũng được đầu tư nâng cấp tuyến cống liên phường Xuân Hà đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến đường Thái Thị Bôi và tuyến cống liên phường Tam Thuận; cải tạo nâng cấp thoát nước khu vực Trung Nghĩa và khu vực tổ dân phố 59 thuộc phường Thanh Khê Tây và đường Trường Chinh đoạn phía trước Trường Nguyễn Đình Chiểu.

Kế hoạch xử lý ngập đô thị trong thời gian tới sẽ được Sở Xây dựng tập trung phối hợp với các địa phương rà soát các khu vực dân cư đã hủy đồ án quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch để giữ lại chỉnh trang nếu có ngập úng sẽ bổ sung phương án xử lý. Trong quá trình thẩm định hồ sơ quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch mới cũng ưu tiên lập kế hoạch và phương án xử lý thoát nước đối với khu dân cư.

Bài và ảnh: Triệu Tùng

.