.

Ngày Tết tất bật chống nhiễm mặn nguồn nước

.

ĐNĐT – Sáng 13-2, ông Nguyễn Minh Chính, Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất nước sạch thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) cho biết, từ ngày 29 tháng Chạp (năm Ất Mùi) đến nay, sông Cầu Đỏ nhiễm mặn khá nặng, đặc biệt, lúc 14 giờ ngày 12-2 (mồng 5 tết Bính Thân) đã vượt mốc 2.500mg/l, gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép.

Vận hành trạm bơm phòng mặn liên tục

Nước sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép và vẫn đang gia tăng độ mặn.
Nước sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép và vẫn đang gia tăng độ mặn.

Ông Nguyễn Minh Chính cho biết, từ ngày 29 tháng Chạp (năm Ất Mùi) đến mồng 2 Tết Bính Thân, DAWACO đã vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch vài giờ trong ngày để đưa nước ngọt từ thượng lưu đập dâng An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) về Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Nhưng từ mồng 3 Tết đến nay, DAWACO phải vận hành trạm bơm này liên tục mới bảo đảm nguồn nước thô cho 2 nhà máy nước sản xuất. Điều may mắn đây không phải là giai đoạn cao điểm của nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân còn thấp. Vì thế, áp lực nước tại nguồn và trong hệ thống đường ống vẫn bình thường, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Theo Phòng Kế hoạch – Xây dựng cơ bản thuộc DAWACO, trước mắt, công ty theo dõi diễn biến độ mặn của sông Cầu Đỏ. Nếu độ mặn cao sẽ thực hiện phương án giảm dần đến chấm dứt lấy nước ở sông Cầu Đỏ và tập trung vận hành lấy nước ngọt từ An Trạch về sản xuất.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng phải lấy nước từ đập An Trạch về liên tục để có đủ nguồn nước thô phục vụ sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.
Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng phải liên tục lấy nước từ đập An Trạch để có đủ nguồn nước thô phục vụ sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Trong một vài ngày đến, nếu độ mặn của Sông Cầu Đỏ vẫn không giảm thì đề xuất các ngành liên quan và UBND thành phố đề nghị các nhà máy thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn xả nước về để bảo đảm chiều cao cột nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch cho trạm bơm phòng mặn hoạt động và đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ.

Đắp đập bổi ngăn mặn

Năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn hạn chế xả nước, mặn xâm nhập vào các sông sớm hơn mọi năm, có nguy cơ ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông xuân và cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ngay giáp Tết Bính Thân, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã chặn dòng thành công và gấp rút hoàn thành công trình đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện ở hạ lưu trạm bơm Tứ Câu để lấy nước chống hạn cho 3.000ha lúa vụ đông xuân, trong đó có 100ha ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

:     Ngay trong những ngày giáp Tết Bính Thân, đã chặn dòng thành công và hoàn thành công trình đập bổi ngăm mặn trên sông Vĩnh Điện để vận hành các trạm bơm chống hạn ngay trong Tết.
Công trình đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt có chiều dài gần 100m, sâu 7m, rộng 4m; tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, 

Ngay sau khi chặn dòng thành công, chờ cho nước sông Vĩnh Điện ở thượng lưu đập bổi giảm mặn do có nước ngọt từ thượng nguồn chảy về hòa trộn, trạm bơm Tứ Câu liền bắt tay vận hành bơm nước ngay trong những ngày Tết để chống hạn cho lúa đông xuân.

Công trình đập bổi ngăn mặn, giữ ngọt có chiều dài gần 100m, sâu 7m, rộng 4m; thân đập được đắp bằng 5.000m3 đất cát hút từ sông và bọc trong 10.000 bao tải; mái đập được gia cố bằng cọc bạch đàn, kết hợp cọc tre, bao quanh bằng bạt nilon chống thấm và vải địa kỹ thuật. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 70% kinh phí từ nguồn hỗ trợ khắc phục thiên tai, phần còn lại do thị xã Điện Bàn đầu tư.

Tuy vậy, về lâu dài, thị xã Điện Bàn kiến nghị đầu tư xây dựng một đập ngăn mặn, giữ ngọt kiên cố ngay tại đây để hàng năm không phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng đắp đập bổi vì đập này dễ dàng bị lũ nhỏ cuốn trôi.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP
 

;
.
.
.
.
.