Môi trường

Môi trường ngày càng xấu đi vì con người

07:50, 10/03/2016 (GMT+7)

“Không ai chết ngay vì một thành phố, một ngôi trường, một ngôi nhà không sạch, thiếu bóng cây xanh; nhưng cái chết sẽ đến từ từ. Sự ô nhiễm môi trường đang gặm nhấm cuộc sống của chúng ta và sẽ để lại những di chứng khó lường cho các thế hệ mai sau. Do vậy, hành động để bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của mỗi người đối với chính bản thân mình và với cả cộng đồng...”.

Đó là thông điệp được ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng và tăng cường năng lực cộng đồng địa phương vì môi trường thông qua chương trình giáo dục và phát triển bền vững” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phối hợp với Đại học Kyoto (Nhật Bản) tổ chức ngày 9-3.

Tăng cường giáo dục bảo vệ môi trường bền vững từ trong nhà trường. TRONG ẢNH: Học sinh xem triển lãm tranh bảo vệ môi trường tại Trường THPT Nguyễn Hiền.
Tăng cường giáo dục bảo vệ môi trường bền vững từ trong nhà trường. TRONG ẢNH: Học sinh xem triển lãm tranh bảo vệ môi trường tại Trường THPT Nguyễn Hiền.

“Chúng ta đang sống thiếu sạch”

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho rằng, chúng ta đang sống thiếu sạch do chính bàn tay con người gây ra. Đó là những bãi rác chưa tìm ra phương pháp xử lý hợp lý, những đường phố thiếu cây xanh, dịch bệnh liên tục tấn công con người và vật nuôi...

Hơn thế nữa, biến đổi khí hậu cũng đang ngày càng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là những mảng xanh đang dần bị thu hẹp đến mức báo động bởi sự tận diệt cây xanh của con người; môi trường sống đang dần bị hủy hoại bởi rác thải, chất thải công nghiệp; nhận thức, ý thức tự giác bảo vệ môi trường chưa thực sự trở thành thói quen trong lối sống của đại bộ phận dân cư.

Ngoài ra, trong trường học, phần lớn học sinh vẫn chưa có thói quen tự bảo vệ mình, giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là chung tay giữ gìn vệ sinh trường học.

Trong khi đó, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho biết, trước đây, toàn bộ khu vực ven biển của Đà Nẵng và Hội An được che chắn bởi hàng ngàn héc-ta rừng phi lao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phần lớn diện tích rừng phòng hộ ven biển này đã được thay thế bằng các con đường, các khu du lịch với nhà hàng, khách sạn mọc san sát khiến hiện tượng xâm thực biển trở nên nghiêm trọng hơn.

Đặc biệt, nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam làm diện tích rừng bị thu hẹp. Do vậy, hệ sinh thái vùng cửa sông Vu Gia - Thu Bồn đang bị thay đổi do tình trạng phù sa vào mùa lũ và nhiễm mặn vào mùa khô, nhất là thời gian các hồ thủy điện không xả nước.

Đặc biệt, những năm gần đây, an ninh nguồn nước của Đà Nẵng bị đe dọa nghiêm trọng. Từ năm 2010 đến nay, việc nhiễm mặn thường xuyên xảy ra suốt 8 tháng trong năm; độ mặn tại trạm Cầu Đỏ liên tục đạt kỷ lục mới, có thời gian vượt 63 lần độ nhiễm mặn cho phép.

Chưa dừng lại ở đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, việc thiếu nguồn nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tưới tiêu trong nông nghiệp. Mỗi năm có hàng trăm héc-ta lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước...

Đẩy mạnh giáo dục, bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh Đà Nẵng nỗ lực xây dựng “Thành phố môi trường”, ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, ngành GD&ĐT thành phố xác định công tác giáo dục môi trường là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng và được triển khai thường xuyên trong ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển cây xanh tại các đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư. Đồng thời, quán triệt trong toàn ngành thực hiện hiệu quả Đề án Xã hội hóa phát triển cây xanh giai đoạn 2013-2015 trong điều kiện hiện nay.

Để nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh trên toàn địa bàn thành phố, ngành GD&ĐT chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền chủ trương của UBND thành phố về phát triển cây xanh đô thị.

Vận động toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và nhà hảo tâm tham gia các đợt ra quân trồng cây xanh nhằm phát triển cây xanh, chăm sóc và bảo vệ cây xanh... Việc bảo vệ môi trường đã lan tỏa ở hầu hết các cấp bậc học.

Bà Trịnh Thị Phương Hiền (Hệ thống giáo dục chất lượng cao SkyLine Đà Nẵng) cho biết, nhà trường đã đưa nội dung giáo dục môi trường và phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy, xem đây là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác dạy và học. “Nhà trường thường xuyên cung cấp cho học sinh kiến thức thông qua dạy học tích hợp các vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng...; đặc biệt là tiến hành các hoạt động ngoại khóa, các hội thi bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của học sinh, giáo viên”, bà Hiền chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, giáo dục vì sự bền vững có vai trò rất to lớn. Đây không chỉ là một nội dung mà còn là một yêu cầu trong giáo dục khi ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên gây nguy hại đến con người và thiên nhiên, làm tổn thương thế hệ tương lai.

Do vậy, ngành GD&ĐT cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc xây dựng, đào tạo đội ngũ giáo viên, đổi mới nội dung giáo dục và phương pháp dạy học, làm thế nào để học sinh, sinh viên và toàn thể cộng đồng có ý thức đầy đủ rằng sự phá hủy môi trường tự nhiên có thể dẫn đến sự mất mát rất lớn về các giá trị do tự nhiên mang lại cho cuộc sống của con người; từ đó thường xuyên quan tâm và có cách ứng xử phù hợp với các hệ sinh thái, các môi trường và quá trình sinh học của các khu rừng, khu dân cư, các dòng sông và biển cả vì tất cả chúng đều bị ảnh hưởng bởi hoạt động và sự quản lý của con người...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.