Từ Trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu đến các doanh nghiệp hoạt động tại đây đều vi phạm nghiêm trọng trong công tác bảo vệ môi trường, khiến người dân khu vực này bức xúc.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Liên Chiểu sau 5 năm hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập, thường xuyên gây ô nhiễm, khiến người dân bức xúc. Ảnh: Ngọc Phú |
Nhiều sai phạm tại Trạm xử lý nước thải tập trung
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi người dân phản ánh và bày tỏ bức xúc về việc Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Liên Chiểu do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (gọi tắt là SDN) làm chủ đầu tư gây ô nhiễm môi trường, thành phố đã lập đoàn liên ngành đi kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, SDN hợp đồng với Công ty TNHH Khoa học, công nghệ, môi trường Quốc Việt (gọi tắt là Công ty Quốc Việt) vận hành trạm và đi vào hoạt động tháng 6-2011. Công suất của hệ thống xử lý nước thải tập trung 2.000m3/ngày và hiện 18/21 doanh nghiệp có hợp đồng thu gom, xử lý nước thải.
Điều đáng nói, việc kiểm soát hoạt động xả thải từ doanh nghiệp vào hệ thống thu gom của KCN do Công ty Quốc Việt thực hiện, SDN không tham gia, không thực hiện lấy mẫu đánh giá nước thải xử lý cục bộ tại các doanh nghiệp trong thời gian dài; đồng thời không yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý cục bộ trước khi đấu nối trong hợp đồng xử lý nước thải giữa doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không vận hành hoặc vận hành không bảo đảm hệ thống xử lý cục bộ trước khi xả thải vào hệ thống thu gom KCN.
Việc xây dựng các hố ga đấu nối nước thải từ doanh nghiệp vào hệ thống thu gom thực hiện không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không có van khóa nước khi chất lượng nước sau xử lý cục bộ vượt yêu cầu. Chỉ có 4/18 đơn vị đấu nối nước thải lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; việc bảo dưỡng đồng hồ, sửa chữa, thay thế nắp đậy bảo vệ các hố ga không thực hiện thường xuyên. “Qua đánh giá chung cho thấy công tác đấu nối, kiểm soát hoạt động đấu nối nước thải từ doanh nghiệp vào hệ thống thu gom của KCN Liên Chiểu thực hiện không đồng bộ, không được quan tâm”, bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết.
Trong quá trình vận hành Trạm xử lý nước thải, Công ty Quốc Việt đã tự ý điều chỉnh, thay đổi công năng các bể xử lý. Cụ thể, không sử dụng bể điều hòa kết hợp bể lắng, bể kỵ khí; không sử dụng các hóa chất trong quá trình vận hành trạm (trợ lắng PAC tại bể lắng); chưa thực hiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục chất lượng nước thải sau xử lý. Bên cạnh đó, các máy móc thiết bị đầu tư, vận hành tại trạm phần lớn cũ kỹ, không đồng bộ, thiếu máy móc thiết bị dự phòng; không đầu tư thiết bị phục vụ vận hành Trạm xử lý nước thải như máy đo Ph, DO, ống đóng xác định mật độ bùn bể sinh học; đội ngũ quản lý và vận hành không có chuyên môn kỹ thuật và năng lực điều hành; đồng thời trong thời gian dài không tiến hành hút bùn bể lắng..., là một trong những nguyên nhân gây mùi hôi.
Trước những sai phạm nghiêm trọng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND thành phố yêu cầu SDN chấm dứt ngay hợp đồng vận hành Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Liên Chiểu với Công ty Quốc Việt và xử phạt SDN 366 triệu đồng.
Chỉ 4/20 doanh nghiệp thực hiện tốt
Đợt kiểm tra các quy định bảo vệ môi trường trong tháng 6 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã kiểm tra 20/21 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Liên Chiểu. Qua đợt kiểm tra, chỉ có 4 doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường gồm: Công ty TNHH Nước giải khát Crown tại Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành và Công ty CP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, Chi nhánh VTGas tại Đà Nẵng.
Các công ty còn lại xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, nước thải sau xử lý cục bộ của Công ty TNHH Sức Trẻ có thông số ô nhiễm COD vượt 5,29 lần, TSS vượt 0,043 lần; Công ty CP Gốm sứ Cosani có lượng nước thải xử lý cục bộ có thông số TSS vượt 13,5 lần so với yêu cầu chất lượng nước đầu vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Với những sai phạm như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố tạm dừng việc tiếp nhận nước thải của hai công ty nói trên. Ngoài ra, có 4 DN có lượng nước thải ít, cho thấm đất, không đưa về được trạm xử lý nước thải tập trung gồm: Công ty TNHH MTV Công trình 875, Công ty TNHH MTV Vật tư đường sắt Đà Nẵng, Công ty CP Lilama 7 và Công ty CP Khí hóa lỏng miền Bắc, Chi nhánh miền Trung. Ngoài ra, Công ty CP Xi-măng Vicem Hải Vân có thông số bụi phát sinh sau hệ thống xử lý khí thải có nồng độ cồn vượt 2,9 lần so với quy định…
Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa cho hay, trước những bức thiết về bảo vệ môi trường, ngành Tài nguyên-Môi trường thành phố yêu cầu các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các hệ thống xử lý nước thải, khí thải của đơn vị và tiến hành sửa chữa, xây dựng mới bảo đảm khí thải, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải ra môi trường. Phối hợp với SDN rà soát lại hệ thống thoát nước, tiến hành tách riêng hoàn toàn nước mưa, nước thải, đấu nối toàn bộ nước thải của đơn vị về hệ thống xử lý tập trung KCN, kết hợp xây dựng lại hố ga đấu nối bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Nghiêm cấm việc xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa và cho thấm đất.
Bà Hoa cho biết, Chủ tịch UBND thành phố đã giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên-Môi trường và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống thu gom nước mưa và nước thải của Công ty TNHH Sức Trẻ và các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Liên Chiểu để điều tra, xác minh thông tin phản ánh của người dân về việc công ty xả lén nước thải chưa xử lý ra môi trường qua hệ thống dẫn nước mưa; báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, xử phạt hoặc truy tố trách nhiệm hình sự theo đúng quy định…
NGỌC PHÚ