.

Quản lý chặt chất thải nguy hại

.

Đối với chất thải nguy hại, trong đó chủ yếu là rác thải y tế và chất thải công nghiệp, nếu không có biện pháp quản lý, thu gom và xử lý tốt sẽ rất nguy hiểm cho môi trường thành phố.

Thời gian qua, rác thải y tế được thu gom và đưa vào lò đốt công suất 200kg/giờ để xử lý, hạn chế ô nhiễm trên địa bàn Đà Nẵng. 		      Ảnh: NGỌC PHÚ
Thời gian qua, rác thải y tế được thu gom và đưa vào lò đốt công suất 200kg/giờ để xử lý, hạn chế ô nhiễm trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚ

Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, hiện nay, công ty đã ký hợp đồng với tất cả các bệnh viện từ tuyến Trung ương đến các trung tâm y tế quận, huyện, bệnh viện tư nhân, cứ 2 ngày thu gom một lần, sau đó vận chuyển bằng xe đông lạnh lên bãi rác Khánh Sơn để đốt. “Nhận thức của các chủ nguồn thải rất tốt nên việc phân loại thực hiện nghiêm túc hơn trước, không lẫn lộn với rác thải sinh hoạt, tạo thuận lợi cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý”, ông Tiên khẳng định.

Cũng theo ông Tiên, việc thu gom, quản lý rác thải y tế được thực hiện theo Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Y tế nên rất chặt chẽ. Nếu chủ nguồn thải (các cơ sở y tế) không tuân thủ phân loại rác thải nguy hại và rác thải sinh hoạt thì bên thu gom, xử lý cũng sẽ tính giá thành rác thải nguy hại cao hơn giá thành rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, các phòng khám tư nhân hiện nay cũng buộc phải ký hợp đồng với bên thu gom để xử lý, thu gom rác thải nguy hại. Tuy lượng rác thải nguy hại tại các cơ sở này không lớn, nhưng với việc ký hợp đồng bắt buộc như vậy sẽ không để rác thải nguy hại ra môi trường.

Hiện nay, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng là đầu mối duy nhất thu gom và xử lý rác thải nguy hại tại 141 cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng. Tất cả rác thải đều được xe chuyên dụng vận chuyển về lò đốt tại bãi rác Khánh Sơn, mỗi giờ xử lý 200kg rác thải y tế. “Chúng tôi nỗ lực để thu gom, xử lý triệt để rác thải y tế, không để các cơ sở y tế thải bừa bãi ra môi trường, gây ô nhiễm. Tuy nhiên, diện tích tập kết rác thải tại các cơ sở y tế còn hạn hẹp nên gây khó khăn cho quá trình thu gom, vận chuyển”, ông Đặng Đức Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng chia sẻ.

Bên cạnh rác thải y tế, chất thải công nghiệp, chủ yếu là bùn thải, dầu mỡ, gỉ sắt, bao cứng, bóng đèn thủy tinh... tại các nhà máy sắt thép, điện, nhà máy dệt-may, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cũng cần được thu gom, xử lý tốt. Đặc biệt hiện nay, các loại bóng đèn thủy tinh tại các cơ sở may mặc, nhà máy chế biến thủy sản, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng thải ra nhiều. Đây là rác thải dạng thủy tinh có thủy ngân rất nguy hại. Ngoài ra, bùn thải tại nhiều cơ sở công nghiệp điện, ô-tô, các công ty sản xuất gang thép... cũng thải ra nhiều.

Loại chất thải này thường lẫn lộn kim loại nặng, nếu thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, đối với các loại chất thải này, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom, sau đó đóng thành block, chôn lấp tại hộc rác thải nguy hại. Còn các loại chất thải dầu mỡ, bao bì, bao cứng… được công ty thu gom, xử lý theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên-Môi trường. “Mỗi ngày, công ty thu gom khoảng 1,5 tấn rác thải nguy hại công nghiệp đem xử lý tại bãi rác Khánh Sơn bằng nhiều phương pháp như đốt, nghiền nhỏ, đóng block, sau đó chôn lấp, không để phát sinh ra môi trường”, ông Trần Văn Tiên khẳng định.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý bãi rác (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng), đơn vị được trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện để xử lý như: lò đốt công suất 100kg/giờ; hộc chôn lấp 5.000m2, thiết bị đóng rắn (block) 5 tấn chất thải/ngày, thiết bị trung hòa axit, bazơ 500kg/giờ, xử lý bóng đèn 200kg/giờ, xử lý nhũ tương, bùn lóng 4m3/mẻ…

Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại thời gian qua được thu gom và kiểm soát tốt. Ngoài Công ty CP Môi trường đô thị trực tiếp hợp đồng với các doanh nghiệp thu gom và xử lý, một số công ty tư nhân cũng tham gia. Ngành Tài nguyên-Môi trường giám sát để bảo đảm công tác thu gom, xử lý rác thải, chất thải nguy hại, nhằm thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường” đến năm 2020...

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.