Bằng nhiều cách như tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức; làm các sản phẩm tái chế từ nhựa; gây quỹ bảo vệ môi trường..., thanh niên Đà Nẵng đã và đang góp sức vào chiến dịch bảo vệ môi trường của thành phố.
Ngày cuối tuần tại Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) rộn ràng hẳn bởi hoạt động cắt, dán những chai nhựa, vỏ lon bia, bao ni-lon, giấy loại bỏ thành những vật dụng hữu ích. Mỗi thanh niên khi đến đây đều mang theo một túi rác thải (có thể tái sử dụng được) đã chuẩn bị từ nhà.
Công việc của họ là phân loại, làm các vật dụng hữu ích từ rác thải. Lê Tuấn Hải (thanh niên phường Hòa Cường Bắc) nói: “Việc cùng phân loại rác thải giúp em hiểu thêm về rác khó phân hủy và rác có thể tái chế. Từ đó, em có ý thức hơn trong hành động chung tay bảo vệ môi trường sống xung quanh”.
Thanh niên Đà Nẵng chung tay tái chế rác thải nhựa. |
Chỉ trong một buổi sáng, nhiều vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, hộp sữa đã “biến” thành những vật dụng hữu ích như: giỏ đựng đồ, hộp đựng bút, lọ hoa, bình trồng cây cảnh, túi đi chợ hoặc cặp sách cho bé...
Đang hì hụi cắt những vỏ lon nước và giấy báo để làm thành các bộ đồ dùng học tập, Phạm Khánh Trà (phường Thạch Thang) chia sẻ: “Những việc làm này giúp chúng em sáng tạo hơn. Không những thế, tham gia tái chế và chụp hình đăng Facebook cũng giúp lan truyền thông điệp bảo vệ môi trường. Bản thân em từ hoạt động này có thể có những cách tái chế rác trong gia đình, nhà trường và ở Đoàn phường”...
Bằng việc tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền và hành động tái chế rác, thanh niên Đà Nẵng góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc chung tay bảo vệ môi trường.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (31 tuổi, đang kinh doanh trực tuyến) cho biết: “Không chỉ bản thân tôi phải có nhận thức và hành động bảo vệ môi trường như các bạn trẻ đang thực hiện, mà tôi còn là kênh tuyên truyền cho các con và người thân cùng chung tay giữ gìn môi trường sống”.
Để con hiểu hơn về tác hại của rác thải đối với môi trường, mỗi đêm, chị Quỳnh Anh thường tranh thủ thời gian kể cho các con nghe những câu chuyện liên quan đến việc bảo vệ môi trường hoặc hậu quả của việc thải rác bừa bãi.
Ở nhà, chị luôn bày con mỗi lần uống sữa xong phải tự tay bỏ vỏ hộp vào giỏ rác, hoặc cùng mẹ đi vứt rác đúng nơi quy định. Còn mỗi cuối tuần, chị đưa con đến công viên, thư viện, nhà sách, các nơi tổ chức hoạt động liên quan đến môi trường để hình thành trong con ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ.
Theo Thành Đoàn Đà Nẵng, thời gian qua, để giảm thiểu rác thải nhựa, Thành Đoàn đã phối hợp với nhiều đơn vị Đoàn cơ sở tổ chức các chương trình liên quan đến giảm thiểu và quản lý rác thải; thực hành hướng đến lối sống giảm nhựa; các chiến dịch chống ống hút nhựa hay bán các sản phẩm tái chế; gây quỹ bảo vệ môi trường...
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, cho biết: “Chính việc để các bạn tự làm, tự nhìn nhận rõ hơn về rác thải sẽ kích thích ý thức chung tay làm sạch môi trường sống trong các bạn. Mới đây, Thành Đoàn phát động Hội thi “Sáng kiến thanh niên giải cứu biển khỏi rác thải nhựa” giúp khơi gợi sáng kiến giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, đặc biệt giảm thiểu túi ni-lon và đồ nhựa dùng một lần trong cộng đồng. Qua đó, các bạn trẻ nhận ra việc chung tay bảo vệ môi trường không phải là điều gì quá to tát, mà đôi khi chỉ cần xuất phát từ hành động rất nhỏ”.
Bài và ảnh: THANH TÌNH