Nắng nóng, nhiều vụ cháy rừng xảy ở Điện Biên, Lai Châu và Sơn La

.

Trong những ngày qua do thời tiết cực đoan, nắng nóng và hanh khô nên trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu đã liên tiếp xảy ra cháy rừng ở nhiều xã.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Trong những ngày qua do thời tiết cực đoan nên trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu đã xảy ra cháy rừng ở nhiều xã.

Theo ngành Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, công tác dập lửa, chữa cháy đang được tích cực triển khai, huy động lực lượng tham gia tại các địa bàn xảy ra cháy.

Chiều 20-4, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết, từ ngày 18-4 vừa qua đã xảy ra cháy rừng tại xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng) với các điểm cháy thuộc bản Nậm Pọng và bản Chan 2.

Diện tích cháy tại hai bản này ước tỉnh lên đến khoảng 14ha, chủ yếu là cháy ngầm dưới tán rừng nên không thiệt hại lớn đến rừng.

Cho đến thời điểm hiện tại công tác dập lửa, khống chế đám cháy đang được ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương tích cực triển khai; hơn 300 người thuộc lực lượng của xã và hạt kiểm lâm đã được huy động để tham gia chữa cháy xảy ra tại xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng).

Riêng tại huyện Tủa Chùa, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, cháy rừng xảy ra ở nhiều điểm thuộc địa bàn một số xã.

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại chỉ mới có một điểm được thống kê diện tích rừng bị cháy là 2,13ha. Chính quyền các xã Sính Phình, Trung Thu, Xá Nhè và lực lượng Kiểm lâm hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đang tích cực tham gia công tác dập lửa, tránh đám cháy lan rộng.

Theo ngành chức năng, với thời tiết nắng nóng cực đoan và hanh khô trên địa bàn, khả năng cháy rừng luôn tiềm ẩn; công tác phòng chống cháy rừng càng phải được đề cao.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên, ngày 19-4 vừa qua tại tỉnh Điện Biên nắng nóng đã xảy ra nhiều nơi với nhiệt độ cao nhất từ 37-39 độ C, có nơi đặc biệt gay gắt như thị xã Mường Lay, xấp xỉ 40 độ C.

Dự báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 20-4 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên cũng cảnh báo, đợt nắng nóng diện rộng này sẽ kéo dài đến ngày 23-4 tới, một số nơi khác trong tỉnh nắng nóng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 27-4 tới với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C; thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ trong ngày.

Do ảnh hưởng của nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh cũng như nguy cơ cao cháy rừng. Rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp độ 1-2.

Ngày 20-4, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Sơn La cho biết, liên tiếp trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng trên diện rộng.

Cụ thể, vào ngày 20-4 tại khu vực bản Hua Ty (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu) đã xảy ra một vụ cháy rừng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La đã nhanh chóng phối hợp cùng chính quyền huyện Thuận Châu và xã Co Mạ huy động trên 300 người tiến hành chữa cháy.

Tuy nhiên, do trời nắng nóng, kèm theo gió to nên khoảng 60ha rừng trồng từ năm 2016 đã bị ngọn lửa thiêu rụi, không có khả năng phục hồi.

Trước tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay, cơ quan chức năng cảnh báo rằng các cánh rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La có khả năng xảy ra cháy rừng ở cấp độ 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Để phòng chống cháy rừng Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã gửi công điện về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đến tất cả các ngành liên quan, các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng.

Theo đó, các đơn vị tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về cháy rừng; tuyên truyền nhân dân không được đốt nương làm rẫy; kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.

Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, các ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ trên địa bàn toàn tỉnh thường xuyên trực 24/24 giờ. Đồng thời, các đơn vị trên cần phối hợp với chính quyền địa phương bố trí lực lượng để làm nhiệm vụ khi có cháy rừng.

Trước đó, do nắng nóng kéo dài, trong những ngày qua tại Sơn La đã xả ra bảy vụ cháy liên tiếp thuộc địa bàn các xã Mường Hung (huyện Sông Mã), xã Chiềng On (huyện Yên Châu) và tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp.

Thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết, tính đến chiều 19-4 vừ qua, các vụ cháy rừng ở tỉnh miền núi này đã thiêu rụi trên 29ha rừng.

Từ ngày 18 đến 20-4, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài nên trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng và thảm thực vật, bước đầu gây thiệt hại cho một số diện tích rừng trồng và rừng tái sinh trên địa bàn.

Cụ thể, chỉ trong ngày 18-4 vừa qua đã liên tiếp xảy ra năm vụ cháy tại các xã Nậm Cần (huyện Tân Uyên), Nậm Manh, Nâm Ban (huyện Nậm Nhùn), Ma Quai (huyện Sìn Hồ) và Nùng Nàng (huyện Tam Đường).

Ngay sau khi phát hiện có cháy Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện huy động lực lượng tại chỗ với số lượng hàng nghìn người như dân quân, kiểm lâm, bộ đội và người dân địa phương tiến hành dập lửa. Các đám cháy đều được khống chế và dập tắt sau từ 3-5 giờ nên không gây thiệt hại lớn.

Hiện tại tỉnh Lai Châu có tổng diện tích rừng trên 445.000ha, độ che phủ đạt gần 50%, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 427.000ha, rừng trồng hơn 18.000ha.

Trước điều kiện thời tiết nắng nóng trong những ngày qua địa phương đã thành lập ba tổ công tác và đang tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng tại các huyện, thành phố.

Chi Cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho biết, đến nay diện tích rừng và diện tích thảm thực vật bị thiệt hại do cháy đang được các lực lượng chức năng thống kê. Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng cấp tỉnh cũng đã thành lập các đoàn công tác và yêu cầu chính quyền địa phương các cấp duy trì chế độ trực phòng cháy chữa cháy rừng 24-24 giờ.

Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng cấp tỉnh cũng yêu cầu lực lượng phòng chống cháy rừng các cấp cử các tổ công tác xuống cơ sở, tăng cường kiểm tra để có phương án xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng.

Các địa phương được yêu cầu thực hiện tốt các chế độ thông tin báo cáo từ cơ sở thôn, bản đến Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng các cấp và tăng cường kiểm tra công tác tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm và các vùng giáp ranh, chủ động các phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng để sẵn sàng sử dụng khi có cháy rừng xảy ra.

Theo vietnamplus

;
;
.
.
.
.
.