.
Đầu tư và phát triển miền Trung:

Đâu là “vận hội mới”?

.

Hội thảo mang chủ đề “Miền Trung - Vận hội mới cho đầu tư và phát triển” tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua đã thu hút 300 đại biểu, trong đó có đại diện Đại sứ quán Anh quốc và nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, Nhật Bản tham dự.

Các thiết bị siêu trường đang được lắp đặt tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Thu hút đầu tư vào xây dựng hạ tầng giao thông, vào các ngành dịch vụ chất lượng cao và các khu kinh tế, khu công nghiệp là mục đích cuộc hội thảo, nhằm rút ngắn dần khoảng cách phát triển giữa các vùng.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Bích Đạt - chủ trì hội thảo - từ nay đến năm 2010 toàn vùng, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên, phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10%/năm, nâng GDP bình quân đầu người đến 750 USD, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dần sang hướng dịch vụ và công nghiệp, hằng năm giải quyết việc làm cho 250 ngàn lao động... Đầu tư vào miền Trung cần đa dạng hóa các nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng, gắn kết với các vùng phụ cận và tiểu vùng Mê-kông mở rộng. Nâng cấp các trường đại học, cao đẳng và trung cấp dạy nghề, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực đào tạo... Hình thành các trung tâm du lịch chất lượng cao tầm cỡ quốc tế và các dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục chất lượng cao. Thu hút vốn vào các ngành chủ lực như hóa dầu, cơ khí, điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp bổ trợ, hàng tiêu dùng và chế biến thủy sản.

Trong danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài, miền Trung có nhiều dự án cấp quốc gia về du lịch có vốn 5 - 6 tỷ USD, 30 dự án công nghiệp thu hút vốn khoảng 10 tỷ USD và xây dựng thêm 9 khu công nghiệp trên diện tích 1.660 ha. Để tiến tới những mục tiêu to lớn đó, một trong các tham vọng của hội thảo là đề ra những biện pháp cụ thể nhằm tạo được chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng đầu tư trong thời gian tới.

Liên kết, phối hợp! Ai? Thế nào?

Các tham luận đều nhấn mạnh đến thành tích và dự phóng tương lai của địa phương mình. Quảng Ngãi dành nhiều nội dung cho khu công nghiệp Dung Quất. Bình Định giới thiệu Nhơn Hội. Quảng Nam giới thiệu Chu Lai. Phú Yên nói về tiềm năng của khu hóa dầu Vũng Rô. Đà Nẵng nêu nhiều thành tựu về đô thị hóa, cảng biển, sân bay quốc tế, các khu công nghiệp và cơ chế một cửa liên thông trong thu hút đầu tư. Trong khi đó, đại diện ngành du lịch và giao thông vận tải tiếp tục đề cao các quy hoạch phát triển ngành mình từ hai ba năm trước trong khu vực mà người nghe không thấy nhiều những nét mới nào mang tính đột phá.

Giới thiệu Cảng Đà Nẵng tại Hội chợ EWEC.

Thời gian qua, các dự án đầu tư vào miền Trung, kể cả việc từ chối nhiều dự án do tác động xấu đến môi trường của một số tỉnh, thành phố cho thấy đó là kết quả của sự tự thân vận động của mỗi địa phương nhiều hơn là có vai trò điều phối từ Trung ương và tuân theo một quy hoạch nhất quán. Đó cũng là lý do cho thấy sự chồng chéo, trùng lặp trong thu hút các dự án đầu tư và phần nào chưa thể hiện việc khai thác được ưu thế so sánh của mỗi tỉnh, thành phố. Đặc biệt, nhiều chính sách khuyến khích cụ thể cho miền Trung như giá đất, thuế, tín dụng... vẫn chỉ là những đề nghị chung chung từ hội thảo này đến diễn đàn khác.

Yếu tố rất quan trọng là làm gì để liên kết, hợp tác và một cơ chế điều hành chung cho sự liên kết, hợp tác đó giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực lại ít thấy đề cập đến tại hội thảo. Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển khi đề cập đến cơ chế chính sách phát triển cho miền Trung và hợp tác, liên kết các tỉnh trong vùng và bên ngoài cũng chỉ dùng các từ khá phổ biến như “đẩy mạnh”, “phối hợp” chung chung. Tham luận của lãnh đạo tỉnh Phú Yên khẩn thiết “phải đặc biệt coi trọng giải pháp liên kết” và “miền Trung phải tìm được tiếng nói chung”... Nhưng chủ thể để thực hiện những lời kêu gọi ấy và thực hiện ra sao, thì chưa thấy hội thảo nói đến!

Đào tạo nhân lực, chuyện còn dài

 

Tính đến nay khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có tổng cộng 631 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn trên 10 tỷ USD, chiếm 11,7% cả nước. Riêng năm 2007 có 140 dự án cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 20,8% cả nước. TP. Đà Nẵng được coi là thành phố động lực của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung có 115 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD, chiếm 17,2% toàn khu vực.

 

Nét đáng ghi nhận là sự hiện diện của lãnh đạo hai trường Đại học Đà Nẵng và FPT nhằm góp tiếng nói về các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực. Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Giám đốc Đại học FPT (mở chi nhánh tại Đà Nẵng trong năm nay) cam kết đổi mới giáo dục-đào tạo để cung ứng nhu cầu lao động cho khu vực bằng phương châm “đào tạo theo nhu cầu” và sẵn sàng cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội miền Trung trong giai đoạn mới.


GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nêu bật được vấn đề bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực: Bất cập về phân luồng đào tạo, do ai cũng muốn con vào đại học, tình trạng bằng đại học nhưng thực tế làm công nhân... đã dẫn đến lãng phí lớn. Chưa có sự hợp tác giữa nhà trường và cơ sở sản xuất. Mục tiêu của chương trình đào tạo chưa rõ ràng, sinh viên ra trường nặng về lý thuyết, lúng túng trong những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đào tạo đại học hiện nay phù hợp cho người chỉ huy hơn là cung cấp kỹ năng cho người tác nghiệp trực tiếp!

Mỗi năm, Đại học Đà Nẵng “là đại học vùng trọng điểm quốc gia” tuyển sinh lên đến 9.000 sinh viên và 800 nghiên cứu sinh trên đại học cung ứng nguồn nhân lực đa ngành cho miền Trung và Tây Nguyên, nhưng do thiếu sự hỗ trợ từ các đơn vị sử dụng lao động nên các cơ sở đào tạo thiếu tiềm lực để nâng cao chất lượng và vì vậy nội dung chương trình đào tạo chưa thật sự gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.