.
DOANH NGHIỆP MIỀN TRUNG

Tư duy mới về vận hội mới

.


Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung-2008 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH (Chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch-Đầu tư) là diễn giả nhận được nhiều sự tán thưởng từ các nhà quản lý, DN, doanh nhân.

Phóng viên Báo Đà Nẵng lược ghi lại những đánh giá đầy trăn trở và tâm huyết đối với DN miền Trung của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

 Làm kinh tế “thắng 60% là tốt lắm rồi”

Các DN miền Trung phải tự đánh giá mình trong vạn cơ hội, vận hội. Làm kinh tế không thể “trăm trận, trăm thắng” mà thắng 60% là tốt lắm rồi. DN miền Trung thiếu chiến lược phát triển lâu dài. Thay vì nỗ lực đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học công nghệ thì không ít DN miền Trung đầu tư vào các mối quan hệ, trục lợi qua đất đai, ưu đãi thuế…

Rõ ràng những cơ hội như thế này ngày càng ít đi khi mà các quy định về công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng được thực hiện và những DN kiểu này sẽ không cạnh tranh được với các đối thủ trong và ngoài nước. Việc quản trị DN còn mang màu sắc gia đình. Tham gia hoạt động xuất khẩu tuy có tăng mạnh nhưng chủ yếu xuất các nguyên liệu thô hoặc gia công lắp ráp với tỷ lệ giá trị gia tăng vào hàm lượng trí tuệ rất thấp. Do đó, DN cả nước nói chung, DN miền Trung nói riêng phải đổi mới tư duy để xây dựng chiến lược phát triển.

Vận hội đến

Phát triển tiềm năng về công nghiệp đóng tàu.

Tiềm lực miền Trung không chỉ nhìn vào nguồn lao động, đất đai, rừng và biển mà phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa về lợi thế là cửa ngõ, cầu nối cho Myanmar, Đông Bắc Thái và Lào để tiếp cận với trung tâm kinh tế năng động nhất châu Á là vùng Đông Bắc Á và vùng Viễn Đông để làm dịch vụ cảng, hậu cần. Luồng hàng hóa qua eo biển Malacca quá đông đúc và cảng Bangkok đã quá tải. Kinh tế miền Trung làm cầu nối gắn kết hai vùng kinh tế Đông Bắc Á với Tiểu vùng sông Mêkông để hoạch định chiến lược phát triển DN.

 
“Bản đồ kinh tế của miền Trung đã bắt đầu quá trình thay đổi rất quan trọng, vị thế miền Trung được nâng lên vì đem lại lợi ích và kết nối các nền kinh tế trong khu vực. Cơ cấu kinh tế của miền Trung sẽ có một tỷ lệ quan trọng về dịch vụ, nhất là các dịch vụ có chuyên môn cao. DN miền Trung cần nhận thức đầy đủ những cơ hội và thách thức để vượt qua những mặc cảm bị lãng quên hay xem nhẹ trong quá khứ” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
 
Kinh tế miền Trung sẽ nổi lên các ngành nghề như cảng container, công nghệ viễn thông, tài chính, giáo dục-đào tạo, công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác phát triển như đóng tàu, hóa dầu, du lịch phát triển vượt bậc. Chính những vận hội kinh tế này mà miền Trung đang có sự thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên đột biến với 631 dự án có tổng vốn trên 10 tỷ USD, chiếm 11,7% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước

Mức độ hội nhập và toàn cầu hóa của miền Trung vượt xa mức trung bình cả nước.

Định vị miền Trung là trung tâm trung chuyển hàng hóa và chuyển mạnh cơ cấu kinh tế sang dịch vụ hậu cần, du lịch, công nghiệp và nông nghiệp thì kết cấu hạ tầng kỹ thuật miền Trung phải đi trước một bước. Hạ tầng tài chính - ngân hàng phải phát triển mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu mới trong tương lai với các đối tác tiểu vùng sông MêKông với Đông Bắc Á.

Khai thác tiềm năng về du lịch.

Cơ cấu ngân hàng ở miền Trung phải khác với ngân hàng trong cả nước như vấn đề tăng cao các thanh khoản nội-ngoại tệ. Giáo dục và đào tạo ở miền Trung phải đón đầu phát triển của miền Trung. Những bộ môn nghiên cứu kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ của Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc phải trở thành thế mạnh vượt trội trong giáo dục-đào tạo ở miền Trung. Bên cạnh đó là ngành học về vận tải, dịch vụ hậu cần, du lịch, công nghệ thông tin.

Về quản lý Nhà nước, cần xây dựng bộ máy hành chính, hải quan, an ninh, y tế… sẵn sàng tiếp nhận mức độ hội nhập và toàn cầu hóa ở mức độ cao. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, miền Trung không nên suy nghĩ theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần chủ động quảng bá hình ảnh và vai trò mới mẻ của mình, thuyết phục về những lợi ích to lớn mà miền Trung có thể đem lại. Nâng cao sự hiểu biết, học tập, đổi mới tư duy là những yêu cầu rất quan trọng đối với chính quyền và DN của miền Trung. Các DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài dựa trên sự hợp tác với các DN trong nước và nhanh chóng triển khai các quan hệ hợp tác với các DN nước bạn như Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar và đặc biệt với các quốc gia vùng Đông Bắc Á. 

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.