.

Giá gạo đã bình ổn trở lại

.

• Thành phố mở 9 điểm bán gạo phục vụ nhân dân với giá 9.500 đồng/kg
• Các cửa hàng đã nhập gạo trở lại và mở cửa bình thường

Tính đến 13 giờ chiều nay 28-4-2008, tình hình giá gạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có dấu hiệu khả quan và chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Nhiều cửa hàng bán gạo đã mở cửa trở lại từ buổi sáng và không giới hạn lượng gạo bán ra như hôm qua.

Đặc biệt giá gạo bình quân đã giảm nhanh, chỉ còn dao động từ 12.500 – 14.000 đồng/kg gạo tám thơm, 10.000 đồng/kg gạo thường. Rất nhiều xe chở gạo đã kịp nhập lại hàng vào các đại lý bán gạo trên địa bàn, cho thấy nguồn dự phòng và bổ sung gạo tại Đà Nẵng dồi dào đầy đủ.

Gạo đã chuyển về Đà Nẵng nhiều hơn từ sáng 28-4-2008.

Theo một đại lý bán gạo trên đường Đống Đa, lý do để nguồn gạo ở Đà Nẵng không vượt cao như tại thành phố Hồ Chí Minh, vì hầu hết đơn hàng đã được các đại lý đặt trước đây vài tuần.

Thực tế sau khi các phương tiện đại chúng khẳng định nguyên nhân cơn sốt giá do tin đồn thất thiệt, đa số người dân đã trở lại bình tâm và không còn đổ xô đi mua gạo dự trữ. Nhiều bà con tiểu thương tại chợ Trung tâm Thương nghiệp (chợ Cồn) nhìn nhận, sự can thiệp từ chính quyền thành phố, các ban ngành và các cơ quan thông tin đại chúng như vậy là cấp thiết và hợp lý.

Tuy nhiên, mức giảm giá gạo sau đột biến này sẽ khó trở lại mốc cũ mà có thể sẽ còn duy trì khoảng 10.000 – 11.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 3.000 đồng so với trước, một phần do giá gạo thế giới tăng. Dấu hiệu đáng lưu ý khác là nguồn gạo quê ở khu vực phụ cận Đà Nẵng đang trở nên khan hiếm do vụ rét hại gây mất lúa giống dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Rất nhiều tư thương đang thu mua lúa tốt có thể làm giống nhằm cung ứng cho các tỉnh phía bắc, càng khiến áp lực giá gạo khó bình ổn cục bộ. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhập cuộc nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa mới có thể ổn định lại tình hình.

Nhiều cửa hàng đại lý gạo đã mở cửa ổn định trở lại.

Trước tình hình này, sáng nay 28-4-2008 UBND thành phố đã có phiên họp khẩn cấp với các cơ quan ban ngành chức năng để chỉ đạo trực tiếp việc điều tiết kinh doanh gạo trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các ban, ngành khẳng định giá gạo tăng là do tình trạng đầu cơ trục lợi. Để chấn chỉnh tình trạng giá gạo tăng đột biến cũng như tạo điều kiện bình ổn thị trường và đời sống của người dân nhanh chóng được ổn định. UBND thành phố đã có chỉ đạo cụ thể với các ngành, các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến việc kinh doanh gạo trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, thành phố quyết định ứng trước khoảng 5 tỉ đồng hỗ trợ Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng xoay vòng vốn, chủ động giữ nguồn gạo cung cấp từ phía Nam theo phương thức bù giá chênh lệch so với thị trường. Theo đó, bắt đầu từ 14 giờ chiều nay, công ty này triển khai 5 điểm cung ứng gạo liên tục tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, An Hải Đông, Hòa Khánh, và 4 điểm lưu động tại đường Phạm Như Sương, Cách Mạng Tháng 8, Trưng Nữ Vương và Huỳnh Ngọc Huệ, với giá bán ra thống nhất 9.500 đồng/kg gạo thường. Người dân có thể mua gạo với số lượng không hạn chế ở các điểm cung ứng này từ 8 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày.

Ngoài ra, các đầu mối siêu thị lớn như Metro, Bài Thơ, Big C cũng tham gia ổn định lại mạng lưới bán lẻ gạo cho người dân với giá cả hợp lý. Bà Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại BIG C khẳng định, nguồn gạo dự trữ trong kho của DN này vẫn còn nhiều, đủ cung cấp cho nhu cầu mua gạo trong khách hàng.

Tuy nhiên, để đảm bảo ngăn chặn khả năng tích trữ đầu cơ gạo nhằm trục lợi của tư thương, chính quyền thành phố cũng đã Giao Sở Công Thương, Chi cục QLTT thành phố phối hợp với Công ty Cổ phần Lương thực để tổ chức các điểm bán gạo tại các chợ nói trên; đồng thời sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán nhằm tránh tình trạng tư thương mua lại gạo để tích trữ bán lại cho nhân dân với giá cao hơn.

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng:

Kiên quyết xử lý mọi trường hợp vi phạm, cố tình trục lợi, đầu cơ gạo !

Điều quan trọng phải khẳng định hiện nay, là thị trường gạo tại Đà Nẵng không hề thiếu. Hiện tượng sốt giá xảy ra chủ yếu do tin đồn thất thiệt, do một số cá nhân, tổ chức trục lợi đầu cơ tạo ra. Đây là hiện tượng chung cũng đang diễn ra ở các tỉnh thành khác, mà giải pháp chỉ có thể là chỉ rõ nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý cụ thể, kiên quyết.

Thực tế cho thấy sau khi các cơ quan báo chí thông tin lại, người dân đã không còn đổ xô đi mua gạo nữa. Do đó, trước mắt, công tác tuyên truyền phải xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Phải làm sao để mọi người dân an tâm trước tình hình, ổn định tâm lý không nôn nóng nữa. Thành phố đã có kế hoạch lập các điểm bán gạo tự do cho dân, với giá bình ổn 9.500 đồng/kg và phân bổ trên khắp địa bàn. Như thế, chúng tôi tin tưởng sau 3 ngày nữa là thị trường sẽ ổn định lại.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Công thương cũng sẽ phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả kho, đại lý bán lẻ trên địa bàn. Chủ trương là phải xử lý nghiêm mọi hộ kinh doanh, mọi DN tự động nâng giá trục lợi đầu cơ vào thời điểm này, tiến hành thu hồi những hàng hóa lương thực, thực phẩm không nguồn gốc. Đặc biệt, các lực lượng quản lý thị trường sẽ chú ý tìm kiếm những dấu hiệu đầu nậu thu gom, để phát hiện xử lý triệt để. Những trường hợp vi phạm sẽ có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh, xử phạt hành chính nghiêm túc, đưa lên công khai trên phương tiện báo chí. Nếu có dấu hiệu gây lũng đoạn, số lượng lớn ảnh hưởng đến tình hình an ninh lương thực địa phương, có thể cũng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bài và ảnh: THỤY BẤT NHI - XUÂN DUYÊN
;
.
.
.
.
.