.

Hành trình chinh phục chiếc cầu dây võng số 1 Việt Nam

.

Tổng chiều dài 1.856 mét, rộng 18 mét, hai trụ tháp chính cao 92 mét, cách nhau 405 mét, tĩnh không thông thuyền 27 mét với 4 làn xe, tải trọng 13 tấn. Với “phần lý lịch trích ngang” rất ấn tượng như thế, nghiễm nhiên cầu Thuận Phước được xếp vào vị trí số một về cầu dây võng tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay.

Và cũng chính vì những thông số kỹ thuật “lớn vượt ngưỡng” như thế so với các cầu dây võng tại Việt Nam, cùng với sự ảnh hưởng của điều kiện khách quan như địa chất phức tạp, mưa bão thất thường... đã khiến cho việc thi công công trình vô cùng khó khăn.

Những phần việc khó khăn nhất của cầu Thuận Phước đã ở phía sau.

Thế nhưng, chính trong cái khó đã “ló” sự sáng tạo của các đơn vị thi công Việt Nam như Công ty cổ phần Cơ khí và xây dựng công trình 623, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 và những đơn vị nước ngoài như Công ty TNHH xây cầu Viễn Đông Thượng Hải, Công ty Xây dựng công trình quốc gia Trung Quốc, đã vượt qua được “chướng ngại vật” để phấn đấu “về đích” sớm nhất có thể.

Vượt chướng ngại vật

Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng vào ngày 17-1-2003 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3-2005, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng thành phố, thế nhưng khi bắt tay vào xây dựng đã gặp nhiều sự cố. Theo báo cáo của đơn vị tư vấn giám sát tại hiện trường cầu Thuận Phước, khi thi công thân đốt trụ tháp TH 14, mọi diễn tiến vẫn bình thường, nhưng đến khi làm vệ sinh bề mặt đã phát hiện ra vết nứt ngang chạy quanh thân trụ với chiều sâu vết nứt khoảng 5-7 cm. Tuy nhiên, công đoạn trước đó là khoan hai tháp chính (phần âm dưới đáy sông) mới thực sự là bài toán khó cho đơn vị thi công. Do công tác khảo sát không được làm tốt, nên khi triển khai khoan đều gặp sự cố do khoan đụng phải vỉa đá dày nằm sâu dưới lòng đất. Tình thế bắt buộc đơn vị thi công phải chuyển đổi từ công nghệ của Trung Quốc sang Hàn Quốc, cùng với việc khẩn trương mua sắm thêm thiết bị chuyên dùng, mới có thể hoàn thành việc đóng ở mỗi trụ tháp 25 cọc bê-tông cốt thép, mỗi cọc có đường kính đến 2,5 mét.

Việc thi công hai mố cầu có kích thước lên đến 30m x 36m x 57m đã làm cho việc thi công cực kỳ khó khăn. Do phải xúc đất ở độ sâu âm dưới lòng sông đến 30 m, khiến cho các gàu xúc khó điều khiển, nhất là khi gặp đá cứng. Đã có không ít lần gàu xúc bị gãy và cắm sâu vào lòng đất. Giải quyết tình huống đột xuất này, đơn vị thi công phải thuê đến đội người nhái chuyên nghiệp để xử lý. Chỉ riêng việc thi công và xử lý những phát sinh này đã “ăn mất” vào quỹ thời gian của công trình đến gần 2 năm. Vì vậy có thời điểm, dư luận cho rằng công trình cầu Thuận Phước đã dừng thi công...

Các chuyên gia Công ty TNHH xây cầu Viễn Đông Thượng Hải kéo cáp chủ cầu Thuận Phước.

Phần thi công dưới đáy sông phức tạp như vậy nhưng phần xây 2 tháp trụ, mỗi tháp cao 92 mét cheo leo giữa sông cũng không đơn giản. Việc tập kết vật liệu, cũng như bảo đảm đổ bê-tông liên tục trong điều kiện mưa bão cũng “góp phần” làm khó các đơn vị thi công. Ngay như việc đổ bê-tông một lần toàn bộ hai mặt cầu bằng công nghệ TVD của Áo cũng khiến cho cả Ban chỉ đạo, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát mất ăn mất ngủ vì sợ khả năng xuất hiện những vết nứt trên bề mặt cầu.

Đích đã đến gần

Có biết muôn vàn khó khăn trong suốt gần 5 năm trời khi thi công công trình cầu Thuận Phước mới có thể hiểu được những “cử chỉ lạ” của nhóm công nhân Việt Nam và kỹ sư trẻ của Công ty TNHH xây cầu Viễn Đông Thượng Hải (đơn vị chịu trách nhiệm chính kéo cáp của cầu) ngày 15-4 vừa qua. Trước ống kính phóng viên, họ như những trẻ thơ choàng vai nhau đứng trên máng kéo cáp vừa nhảy vừa reo hò khi thấy dây cáp chủ từ từ được kéo qua bờ đông của sông Hàn. Liu Gao, kỹ sư của Công ty TNHH xây cầu Viễn Đông đã bộc bạch cùng chúng tôi: “Tôi mới được tăng cường cho công trình này đúng một tháng nay, nhưng cũng đã trải qua những ngày cực nhọc nơi đây, nên giờ đây nhìn thấy dây cáp chủ đầu tiên được kéo thành công trên máng trượt, tôi rất mừng. Hy vọng là trong vòng hai tháng tới, việc kéo cáp sẽ hoàn thành đúng như kế hoạch đã đề ra”.

Ông Dương Văn Sang, Giám đốc điều hành dự án cũng không giấu được vẻ phấn khởi: “Có được ngày hôm nay, chúng tôi phải trải qua quá nhiều khó khăn thử thách, mà có thời điểm tưởng chừng như không thể vượt qua được. Nhưng bây giờ, dây cáp chủ đầu tiên đã “cập bến” bờ Đông an toàn cho thấy những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng. Lãnh đạo thành phố đã đồng ý bù trượt giá công trình do giá vật tư tăng nhanh, điều này tạo thuận lợi cho đơn vị thi công chủ động đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm tháng 12 này sẽ thông kỹ thuật cầu Thuận Phước”.

Sau rất nhiều lần lỗi hẹn với người dân thành phố, giờ đây, vóc dáng chiếc cầu treo dây võng lớn nhất Việt Nam đã rõ hình. Hiện tại, từ rất nhiều vị trí trong thành phố, mọi người có thể chiêm ngưỡng được vẻ hoành tráng, hiện đại của cây cầu nơi cuối sông đầu biển này. Với những gì đơn vị thi công đã và đang nỗ lực, trong một thời gian không xa nữa, người dân thành phố Đà Nẵng có thể hãnh diện khi qua lại trên chiếc cầu xinh đẹp này.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.