Nói đến làng nghề truyền thống của thành phố Đà Nẵng, phải kể đến các làng nghề đã có thương hiệu như đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Nam Ô, chè Phú Thượng, chiếu Cẩm Nê... Các làng nghề này đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, nhất là lúc nông nhàn, đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân ở các làng nghề trên và các vùng lân cận.
Một trong những tác phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước. |
Với làng nghề làm nước mắm ở Nam Ô (quận Liên Chiểu), TTKC đã tổ chức triển lãm mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nước mắm Nam Ô và chuyển giao công nghệ cho gần 40 hộ dân tại đây. Việc làm này đã khơi dậy tiềm năng, lòng tự hào của một làng nghề. Đây cũng là một trong những nội dung tập huấn công tác khuyến công mà TTKC đã phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) tổ chức, thu hút được đông đảo các làng nghề của khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham gia. Hàng chục nông dân đã khởi sự lập nghiệp trên cơ sở các làng nghề truyền thống của gia đình, địa phương. Nhiều hộ đã và đang trở nên giàu có từ nghề truyền thống này.
Trung tâm còn xây dựng các đề án nhằm đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm xuất khẩu, như khuyến khích các hộ sản xuất ở làng đá chẻ Hòa Sơn chuyển từ sản xuất đá chẻ bình thường sang làm ngói lợp bằng đá. Theo thống kê, mỗi năm làng nghề đá chẻ Hòa Sơn sản xuất khoảng 25.000m2 đá chẻ, thu hút trên 2.000 lao động. Các sản phẩm này đã được xuất khẩu, tuy nhiên giá trị chưa cao, gây lãng phí tài nguyên. Nếu chuyển sang sản xuất ngói lợp bằng đá (là sản phẩm mỹ nghệ) thì giá trị của sản phẩm sẽ cao hơn nhiều, đồng thời giải quyết được nhiều việc làm và đặc biệt sẽ tiết kiệm nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt.
Tác phẩm "Thổ dân" bằng chất liệu cẩm thạch đỏ của cơ sở Nguyễn Hùng, 85 Huyền Trân Công Chúa, Ngũ Hành Sơn. |
Theo Đề án Phát triển Làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng do TTKC xây dựng đã được UBND thành phố phê duyệt, đến năm 2010, các làng nghề truyền thống của thành phố sẽ tạo ra khoảng gần 500 tỷ đồng giá trị sản lượng, trong đó sản phẩm xuất khẩu chiếm trên 50%, giải quyết được khoảng gần 20.000 lao động với các ngành nghề như đá mỹ nghệ, nghề kim hoàn, tạc tượng gỗ, tranh thêu, sơn mài...
Đây là một hướng đi đúng, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố, đồng thời xây dựng các làng nghề truyền thống trở thành các điểm du lịch văn hóa, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của thành phố. Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự nỗ lực của TTKC, thì sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của mỗi cơ sở, mỗi hộ sản xuất có ý nghĩa quyết định.
Bài và ảnh : ĐỨC THỊNH