Ngày 4-4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 được tổ chức tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN, Tổng thư ký ASEAN, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trong hơn một thập kỷ qua, ASEAN của chúng ta đã có một bước phát triển nhanh và được đánh giá là khu vực kinh tế năng động. Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ năm 1997 cùng với những tác động bất lợi của thiên tai và dịch bệnh, các nước trong khu vực đã vượt qua những khó khăn thách thức để phục hồi và phát triển kinh tế. Với những nỗ lực đó, kinh tế ASEAN những năm qua đã có bước phát triển đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả khu vực đạt ở mức độ cao, tiềm lực của hệ thống tài chính khu vực được cải thiện một cách vững chắc; bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chú trọng cải thiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Phó Thủ tướng nhận định: Một trong những thách thức lớn nhất trên con đường hội nhập kinh tế của ASEAN là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên. Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên là mục tiêu trong kế hoạch cộng đồng kinh tế ASEAN, điều này đã được triển khai qua sáng kiến hội nhập ASEAN và các sáng kiến phát triển khác. Dựa trên những nền tảng hợp tác sẵn có và cam kết cùng nỗ lực vì lợi ích chung của khu vực, tôi tin tưởng rằng trong tương lai, ASEAN sẽ hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thu hẹp sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên trong khu vực, đạt được một hệ thống thương mại đa phương công bằng và mở cửa, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tôi hy vọng rằng mục tiêu biến ASEAN trở thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 như tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN lần thứ 13 tại Singapore sẽ trở thành hiện thực, đó là đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và thị trường đơn nhất, một khu vực kinh tế có tính năng động và cạnh tranh cao, một khu vực phát triển cân bằng và hội nhập hoàn toàn vào kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh đã có bài phát biểu chào mừng Hội nghị, khẳng định vai trò, vị trí của thành phố Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại 1 cấp quốc gia của Việt Nam, nằm ở trung độ đất nước trên trục giao thông Bắc Nam, hội tụ đủ các địa hình đồng bằng, núi rừng, sông biển, hải đảo. Ngoài ra, Đà Nẵng còn là trung điểm của 4 di sản thế giới nổi tiếng tại miền Trung Việt Nam. Trong phạm vi khu vực và quốc tế, thành phố là một cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông Tây.
Thực hiện chủ trương “hội nhập và phát triển”, trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, thành phố Đà Nẵng đã duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với các địa phương và tổ chức các nước thành viên ASEAN. Trong năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của thành phố với các nước ASEAN đạt 132 triệu USD. Quan hệ song phương với các nước thành viên trong khối cũng đạt được những mặt tích cực. Ngoài ra, thành phố cũng quan tâm tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tại phiên khai mạc, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao văn kiện phê chuẩn Hiến chương ASEAN cho Tổng Thư ký ASEAN. Hội nghị còn được nghe phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.
* Chiều cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 đã tổ chức họp báo thông báo Tuyên bố chung của Hội nghị, với một số điểm chính sau: Hội nghị đã cùng nhau trao đổi quan điểm về diễn biến kinh tế toàn cầu và khu vực, thảo luận về quá trình thực hiện lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN và các sáng kiến hợp tác khu vực khác. Hội nghị tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác tài chính trong khu vực để đóng góp vào quá trình hiện thực hóa. Về những diễn biến kinh tế gần đây, Hội nghị đã thảo luận về các thách thức bên ngoài đối với khu vực bắt nguồn từ diễn biến bất thường của thị trường tài chính, biến động của dòng luân chuyển vốn và sự suy giảm kéo dài và sâu hơn của nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị cũng đã bàn đến việc thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa ổn định; thảo luận về tình hình giá cả hàng hóa, năng lượng tăng lên và ghi nhận các sáng kiến về an ninh năng lượng, an ninh lương thực nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế.
Về lộ trình hội nhập kinh tế tài chính tiền tệ ASEAN, Hội nghị đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác tài chính khu vực để tăng tính cạnh tranh; thống nhất hình thành khung chiến lược trung hạn để tăng cường sự liên kết, khả năng tiếp cận và tính thanh khoản của thị trường; ủng hộ việc tăng cường liên kết các Sở Giao dịch ASEAN, nhất trí củng cố cơ chế đối thoại với các đối tượng chính tham gia thị trường vốn ASEAN. Về tiếp tục tăng cường tự do hóa các dịch vụ tài chính, các Bộ trưởng đã cam kết tự do hóa các lĩnh vực tài chính chủ yếu vào năm 2015 với mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đã ký kết nghị định thư; hợp tác trong lĩnh vực hải quan, tăng cường tài trợ cơ sở hạ tầng, hợp tác để thích nghi và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao hình ảnh ASEAN là điểm đến đầu tư...
THÀNH LÂN