.
Ngân Hàng thế giới

Hội thảo về quy hoạch chiến lược cho vùng ven đô Đà Nẵng

Ngày 26-4, tại Đà Nẵng, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức cuộc hội thảo về quy hoạch chiến lược cho vùng ven đô Đà Nẵng. Đến dự hội thảo có đại diện một số quận, huyện và các sở ban ngành của thành phố.

Với sự nghiên cứu công phu, khoa học của các chuyên gia của WB, hội thảo đã chỉ ra những điều được và chưa được trong quy hoạch và phát triển thành phố trong hơn 10 năm qua. Đồng thời đưa ra những đề xuất hữu ích cho việc quy hoạch phát triển vùng ven đô Đà Nẵng trong tương lại. Đặc biệt là những đề xuất sử dụng, khai thác một cách hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt đang ngày càng cạn kiệt – Đất.

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm tỷ lệ chuyến đổi các loại đất khác thành đất đô thị là 1000ha/năm. Theo dự đoán, với tỷ lệ tăng dân số khoảng 40.000 người/năm, UBND thành phố dự đoán dân số Đà Nẵng sẽ đạt 1.710.000 người vào năm 2020, tăng 1.000.000 so với năm 2005. Với tốc độ chuyển đổi đất và tốc độ tăng dân số như vậy thì tỷ lệ chuyến đổi đất sẽ đạt 40 người/ha. Tỷ lệ dân số như vậy sẽ thấp hơn rất nhiều so với các vùng ngoại ô của các nước phát triển là Mỹ, Canada và Úc…

Điều này cho thấy nhiều bất cập. Thứ nhất là tạo ra áp lực về việc xây dựng các hạ tầng cơ sở phục vụ cho các khu dân cư rất cao, vì nhiều khu dân cư vượt quá khả năng ngân sách của thành phố, chất lượng sống các khu dân cư vì thế mà rất thấp. Thứ hai là một lượng đất rất lớn bị lãng phí do không được sử dụng, người nông dân không có đất để sản xuất, số lô đất đã được phân lô nhưng do hạ tầng cơ sở kém, không có người đến ở. Thứ ba là tạo ra một số hiện tượng xã hội không tốt như đầu cơ đất, chờ thời để kiếm lời dễ tạo ra những sự khủng hoảng xấu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Đây là những điều đã xảy ra đối với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia… mà Việt Nam nói chung và Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm.

Vì vậy, để sử dụng đất có hiệu quả khi quy hoạch vùng ven đô cần phải thực hiện một cách nghiêm túc các quy trình sau: Phải có các chiến lược phát triển thành phố, lập các quy hoạch cấu trúc, lập các quy hoạch chi tiết tái phát triển các vùng, nâng cấp và phát triển các khu dân cư mới, các trung tâm thương mại và dịch vụ. Qua đó, có một chiến lược phát triển thành phố dựa trên sự đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của thành phố và các cơ hội, cũng như thách thức.

Đ.THỊNH

;
.
.
.
.
.