.

Bài 2: Về đâu, dự án sản xuất rau an toàn?

.

Bài 1: Về đâu, dự án sản xuất rau an toàn?

Nguyên nhân nào làm dự án sản xuất rau an toàn không đạt mục tiêu đề ra?

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Một là, không xây dựng được lực lượng lao động chuyên nghiệp và mạng lưới tiêu thụ rau ổn định. Hai là, giá rau thất thường, chưa hấp dẫn đối với lao động vùng ven đô. Ba là, chưa cải thiện được tập quán canh tác manh mún nhỏ lẻ; sự hỗ trợ cho người trồng rau có nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, đầu tư nhà lưới không khả thi gây lãng phí.

Vùng rau Yến Nê không mấy hiệu quả mặc dù được đầu tư không ít.

Ai cũng biết, cây rau sinh trưởng tốt rất cần sự chăm sóc thường xuyên của người trồng. Hoạt động này đòi hỏi người trồng có tính chuyên nghiệp cao. Điều này thể hiện rất rõ ở vùng rau Đa Mặn. Họ biết bón phân liều lượng bao nhiêu, vào thời điểm nào, loại phân gì. Ngay cả cách tưới nước cũng phải hợp lý, đúng thời điểm.
 
Sản xuất rau phải là hoạt động kinh tế chủ yếu của họ. Trong khi đó, các vùng rau ở Hòa Vang, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, nông dân sản xuất rau theo kiểu được chăng hay chớ. Phần lớn thời gian họ dành cho sản xuất lúa, màu, lúc rỗi mới dành cho cây rau. Đó là chưa kể, kinh nghiệm canh tác loại cây này chưa nhiều. Không ít người chưa thuần thục trong xử lý đất trồng, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Hệ quả là rau không đạt như mong muốn.

Không có biện pháp tiêu thụ rau ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Khi rau nhiều, tất yếu giá hạ và khó bán, bán được thu nhập chẳng đáng là bao làm người trồng rau chán nản. Vùng rau Liêm Lạc Hòa Xuân lâm vào hoàn cảnh này, đành chấp nhận chuyển sang trồng sắn là vậy. Phải nói thêm rằng, với kiểu phân chia mỗi hộ vài ba trăm mét vuông trên vùng rau đã làm cho sản xuất trở nên manh mún. Ngoài ra, việc giám sát, hỗ trợ nông dân sản xuất tại các vùng rau của Hội Nông dân, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp còn quá ít, nông dân ít có điều kiện học hỏi thêm. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng rau là cần thiết, song cơ quan chức năng không tính đến hiệu quả thực của việc đầu tư đó. Khi hiệu quả không cao, chậm rút kinh nghiệm, chuyển hướng  đầu tư.

Hàng chục nhà lưới hình thành nhưng không sử dụng được, gây khó khăn cho nông dân trong việc canh tác. Ngoài ra, việc quản lý các hạng mục đã đầu tư tại các vùng rau chưa chặt chẽ, gây thất thoát khá lớn, ảnh hưởng đến sản xuất lâu dài. Giám sát việc sử dụng thuốc BVTV của cơ quan chuyên môn chưa thường xuyên, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được chất lượng rau...

Giải pháp nào để khôi phục và đẩy mạnh sản xuất rau an toàn?

Một hộ tận dụng bờ ruộng ở Hòa Khương trồng bí xanh rất hiệu quả.


Sẽ không thành công nếu không xây dựng được lực lượng trồng rau chuyên nghiệp. Phải qua tham quan học hỏi kinh nghiệm ở những nơi đã sản xuất thành công, tổ chức tập huấn chu đáo về kỹ thuật canh tác từng loại rau. Phải hướng dẫn cho chính người sản xuất, tránh tình trạng người không sản xuất liên tục đi tập huấn, người bám đồng ruộng không bao giờ được nghe hướng dẫn như thời gian qua. Vấn đề không kém phần quan trọng đó là phải cải thiện kiểu sản xuất mỗi hộ một mảnh nhỏ như hiện nay. Có thể mỗi hộ sản xuất 1-2 ha. Họ tự đảm nhiệm khâu nhân lực, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần chọn loại rau chủ lực cho từng vùng, để có đủ sản lượng cung cấp cho thị trường. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất rau an toàn là cần thiết.

Ngoài ra, cần xây dựng mạng lưới tiêu thụ rau chuyên nghiệp cho từng vùng trên cơ sở gắn kết giữa người trồng và người tiêu thụ hỗ trợ, tạo điều kiện lẫn nhau. Cần đầu tư những thứ người trồng rau cần, tránh đầu tư tràn lan. Cơ quan chức năng không chỉ kiểm tra chặt chẽ chất lượng rau bằng các thiết bị chuyên dùng mà cần tạo điều kiện cho rau an toàn đi vào các siêu thị, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau an toàn của Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.