.
Các khu du lịch biển:

Đừng bỏ qua “năng lượng xanh” !

.

Với hơn 10 dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái dọc theo tuyến đường ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc lần lượt được cấp phép, Đà Nẵng đang nổi lên là điểm thành công thu hút đầu tư du lịch ở miền Trung. Song phía sau bước tiến này vẫn có một khoảng trống chưa được quan tâm, đó là khả năng tận dụng các nguồn tài nguyên năng lượng nơi đây.

Nắng, gió và sóng là 3 yếu tố quan trọng để nhiều du khách đến với các bãi biển Đà Nẵng. Đây cũng là 3 nguyên nhân thu hút các dự án đầu tư đắc địa về du lịch nghỉ dưỡng biển. Ngay với nhiều người dân thành phố, cảm giác thoải mái khi ra biển tận hưởng vị mặn chát muối biển, chút nắng nồng đã trở thành nhu cầu không thiếu được.

Nắng, gió, sóng là những yếu tố hấp dẫn nhiều du khách đến với các bãi biển Đà Nẵng.

Tuy nhiên, chính từ góc độ này, nhiều người Đà Nẵng đang đặt câu hỏi, tại sao các dự án đầu tư du lịch biển ở đây không tận dụng lợi thế năng lượng thiên nhiên ấy để tăng chất lượng dịch vụ. Chỉ cần điểm qua những địa danh du lịch biển nổi tiếng quốc tế, người ta có thể gặp ngay các khu resort hoang dã, tự nhiên, nơi du khách tự túc nhiều khâu sinh hoạt với cảm giác thú vị. Tự múc nước ngọt dưới giếng lên, tự lo máy phát điện bằng gió để thắp sáng các bungalow, tự điều chỉnh mức độ cấp điện cho bình nóng lạnh bằng bộ nguồn hấp thụ năng lượng mặt trời... là những chi tiết khiến các khu resort đó được đánh giá cao hơn hẳn các mô hình khác.

Từ góc độ đó, có thể thấy việc bỏ qua, không khai thác các nguồn năng lượng xanh tại chỗ ở các khu du lịch biển Đà Nẵng sẽ là đáng tiếc. Nhưng trên thực tế, điều này đang diễn ra. Trao đổi với một số cán bộ quản lý cơ sở, ngành chức năng liên quan các dự án đã nhận giấy phép đầu tư dọc tuyến đường biển Sơn Trà – Điện Ngọc, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu về khả năng ứng dụng năng lượng xanh trong đó. Không ít mô hình phác thảo ở đây sẽ là những khu biệt thự khép kín, nằm bên bờ cát trắng nhưng phải thắp sáng bằng đèn cao áp, cận kề bờ biển xanh nhưng phải bật máy điều hòa nhiệt độ...

Lý do được một số người phân tích, trước hết là do chính quyền, các sở ngành chức năng còn thờ ơ với vấn đề năng lượng xanh để không đưa ra các gợi ý trước nhà đầu tư khi các dự án mới ở giai đoạn sơ khởi. Thậm chí khi đặt vấn đề này với một lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng, chúng tôi còn nhận được câu hỏi ngược, là việc đòi hỏi các nhà đầu tư chú ý đến năng lượng xanh sẽ mang lại lợi ích gì cho chính họ (?). Theo vị này, việc đầu tư vào năng lượng xanh luôn đòi hỏi thêm vốn và biết đâu điều đó sẽ cản trở quyết định của nhà đầu tư, đẩy họ đến những địa phương khác thay vì chấp nhận Đà Nẵng.

Việc ứng dụng năng lượng xanh sẽ hứa hẹn mang lại nhiều dịch vụ hấp dẫn cho du khách ở các resort.

Hệ quả từ cách nhìn này là các dự án đầu tư đã không có hạng mục liên quan đến năng lượng xanh. Theo ngành điện Đà Nẵng, điều này gây áp lực rất lớn với đơn vị khi cùng lúc nhận hàng loạt yêu cầu đầu tư các trạm biến áp cấp điện công suất lớn từ các dự án ven biển, trong khi việc thiếu nguồn điện quốc gia đang là điều ai cũng nhìn thấy. Vốn đầu tư của các trạm biến áp không ít, trong khi các dự án có khai thác hết công suất yêu cầu hay không cũng còn chưa rõ, khiến ngành điện thêm e dè để quyết định. 

Rõ ràng, về dài lâu, các khu du lịch biển Đà Nẵng nên cân nhắc khả năng đầu tư các hạng mục năng lượng xanh về tận dụng sức gió, mặt trời, hoặc năng lượng sóng biển.

Hơn nữa, theo một số DN du lịch, với tầm nhìn xa, thành phố Đà Nẵng cũng nên tìm các nhà đầu tư các trạm năng lượng xanh phục vụ nhu cầu “tự cấp” cho các khu du lịch biển. Đây không phải là chuyện xa vời bởi đang có nhiều nhà đầu tư quan tâm vấn đề này. Thái độ cầu thị, hợp tác với họ biết đâu sẽ mở ra điều kiện tốt hơn để hoàn thiện hạ tầng du lịch biển Đà Nẵng tương lai?

Câu hỏi này xin giành cho các nhà quản lý và đầu tư. Chỉ xin nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới tiếp tục nóng lên vì sự khai thác cạn kiệt tài nguyên của con người, và năng lượng điện quốc gia không theo kịp tốc độ phát triển nhu cầu trong nước, năng lượng xanh là lựa chọn tốt cho một thành phố thân thiện môi trường!

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.