.

Chất lượng bình gas đang bị thả nổi

.

Mua gas không khác gì ôm... bom về nhà. Lời cảnh báo trên vừa được một đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố Đà Nẵng đưa ra khi đánh giá về chất lượng trôi nổi của các loại bình chứa gas LPG hóa lỏng trên thị trường thành phố hiện nay.

Chưa đủ điều kiện kiểm tra chất lượng

Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố, cho đến nay các đơn vị đo đạc, kiểm định chất lượng tại Đà Nẵng đều chưa có đủ điều kiện thiết bị giám định, kiểm tra chất lượng các loại bình chứa khí gas cũng như kiểm tra chất lượng an toàn của khí gas chứa trong đó.

Việc giám định chất lượng các vỏ bình gas tại Đà Nẵng vẫn đang bị thả nổi.

Trên thực tế, việc kiểm tra chất lượng các bình gas tiêu dùng lâu nay chỉ thực hiện qua hình thức cân trọng lượng. Các cơ quan chức năng khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas chỉ làm mỗi một cách: đặt các bình gas đã nạp lên bàn cân để xem có đủ trọng lượng như đăng ký hay không.

Còn khí gas chứa trong các bình ấy có đủ tiêu chuẩn sạch và độ nén áp suất ổn định để sử dụng vào tiêu dùng sinh hoạt hay không thì chẳng ai dám chắc. Kể cả các thành phần vỏ bình, van an toàn, dây dẫn khí gas từ bình chứa ra các loại bếp gas, cũng không có thiết bị giám định chất lượng nào thực hiện cả.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều đại lý, cửa hàng gas, có một lượng rất lớn các loại vỏ bình gas đã sử dụng lâu năm đang luân chuyển sử dụng. Rất nhiều cửa hàng thừa nhận, họ chỉ tiếp nhận các vỏ bình gas từ các đơn vị sang chiết đưa về rồi đưa vào sử dụng. Một số vỏ bình trông màu sơn còn rất mới, nhưng khi lật đáy lên, bằng mắt thường cũng có thể thấy rõ các vị trí rỉ sét, đường hàn không khít do va đập mạnh qua chuyên chở. Chưa có cơ quan chức năng nào nhận trách nhiệm đo đạc, kiểm tra độ an toàn của các vỏ bình ấy!

Với các loại van an toàn cho bình gas cũng vậy. Nhiều nhân viên ở các cửa hàng gas thừa nhận, họ chỉ biết mang những loại van được mua sẵn đến gắn vào các bình gas cho khách với “lời quảng cáo lơ lửng” sẽ bảo đảm không có sự cố xì nổ gas. Song, những nhân viên này cũng không thể giải thích được câu hỏi cơ sở nào thẩm định độ an toàn, độ nhạy của các thiết bị an toàn đó. Họ chỉ có thể thuyết phục khách hàng tin tưởng bằng các loại tem nhãn dán sẵn trên van an toàn, mặc dù ai dán những cái tem ấy và dán khi nào thì cũng... chịu không biết.

Với hiện trạng đó, chính các đại lý gas cũng dè dặt thừa nhận, việc chở các bình khí gas hóa lỏng về nhiều gia đình không khác gì mang những quả... bom về nhà.

Người tiêu dùng: "Tự bảo vệ" mình trước

Trong khi đó, điều đáng quan tâm là đa số người tiêu dùng tại Đà Nẵng hiện cũng còn rất thờ ơ với vấn đề an toàn sử dụng gas trong nhà. Một người tiêu dùng cho biết thường quen chấp nhận các cửa hàng gas mang bình nào đến thì dùng bình đó và chỉ phàn nàn nếu thấy giá gas tăng vọt hoặc các bình gas “có vẻ mau hết”.

Điều trái khoáy là dù việc giám định an toàn cho bình chứa gas bị bỏ ngỏ, các cơ quan chức năng vẫn đều đều ký giấy phép cho nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh gas ra đời. Những hình thức ràng buộc các chủ thể kinh doanh tuân thủ các nguyên tắc an toàn, chống cháy nổ chỉ nằm trên giấy và qua vài công cụ chữa cháy cá nhân.
 
Tại nhiều cửa hàng gas đã có chứng nhận của cơ quan an ninh, phòng cháy chữa cháy, những người bán hàng vẫn loay hoay ấp úng khi chúng tôi hỏi liệu các bình gas của họ có đảm bảo tuyệt đối không rò rỉ hay có thể bị cháy nổ không.

Theo ông Trần Văn Đạm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, đã đến lúc thành phố phải nghiêm khắc hơn với hiện trạng trôi nổi của các loại bình chứa khí đốt, khí gas trên địa bàn. Nhưng trong khi chờ đợi sự can thiệp giám sát từ các cơ quan chức năng, người tiêu dùng Đà Nẵng cũng nên “tự bảo vệ” mình trước, bằng cách quan tâm hơn đến các loại bình chứa gas được đưa về nhà mình từ các cửa hàng.

Hãy để chút ít thời gian quan sát các vỏ bình, các van an toàn, kiểm tra các đường ống và bếp gas một cách nghiêm túc, mọi người sẽ có thể giảm bớt phần nào mối nguy cháy nổ từ trong góc bếp nhà mình!

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.