Phát hiện việc xây dựng công trình trái phép của ông Nguyễn Ngọc Thanh ngay cạnh Suối Lương, thuộc tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân (RĐDNHV), gây ảnh hưởng đến sự an toàn nguồn nước đầu nguồn dùng khai thác nước sạch của Nhà máy nước Hải Vân (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng), gần một năm trời, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền thành phố nhờ can thiệp, xử lý.
Dù vậy, đến nay công trình xây dựng trái phép của ông Nguyễn Ngọc Thanh vẫn ngang nhiên tồn tại, trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng ngày đêm lo lắng về sự an toàn của nguồn nước đầu nguồn dùng để cung cấp cho hàng ngàn người dân trên địa bàn.
Ngang nhiên xây dựng công trình trái phép
Ngôi nhà xây dựng trái phép của ông Nguyễn Ngọc Thanh ngay cạnh Suối Lương. |
Theo hợp đồng giao khoán số 01, ngày 10-2-2007, ông Phạm Văn Em, trú Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) và ông Nguyễn Ngọc Thanh, trú phường Hòa Cường Bắc (Hải Châu) được Ban Quản lý RĐDNHV giao khoán 8.000 m2 đất lâm nghiệp, ngay cạnh Suối Lương ở tiểu khu 11, RĐDNHV, để trồng cây, phát triển rừng. Ngày 27-4-2007, ông Em đã làm thủ tục giao phần đất theo hợp đồng giao khoán số 01 của mình cho ông Nguyễn Ngọc Thanh toàn quyền sử dụng.
Sau khi được sở hữu toàn bộ diện tích 8.000 m2, ông Nguyễn Ngọc Thanh tiến hành xây dựng nhà cấp 4 tại khu đất này. Phát hiện vụ việc này, ngày 15-6-2007, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng quận Liên Chiểu về việc xây dựng của ông Thanh làm đất đá, rác thải gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Hải Vân, đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. Qua kiểm tra hiện trạng có một nhà sườn gỗ diện tích 80m2 xây dựng dang dở và một nhà kho 24m2, ngày 20-6-2007, lực lượng quy tắc phường Hòa Hiệp Bắc đã lập biên bản về việc “Xây dựng nhà nghỉ không có giấy phép” đối với ông Nguyễn Ngọc Thanh và yêu cầu ông Thanh dừng ngay việc xây dựng. Tuy vậy, bất chấp quy định của pháp luật, ông Thanh vẫn tiếp tục xây dựng hoàn thiện công trình này (?).
Vì sao chưa xử lý dứt điểm?
Ngày 8-10-2007, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 5267/UBND-QLĐTh chỉ đạo xử lý vi phạm về bảo vệ nguồn nước mặt cấp cho Nhà máy nước Hải Vân với nội dung như sau: “Giao UBND quận Liên Chiểu lập hồ sơ xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ theo quy định đối với ông Nguyễn Ngọc Thanh về hành vi xây dựng không có giấy phép và xâm phạm quy định về bảo vệ nguồn nước mặt tại khu vực Nhà máy nước Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Đề nghị Ban Quản lý RĐDNHV kiểm tra, xem xét xử lý việc vi phạm hợp đồng giao đất đối với ông Nguyễn Ngọc Thanh về hành vi tự ý xây dựng công trình trên khu đất được giao khoán nêu trên, theo quy định”.
|
Theo nguyện vọng, mục đích xây dựng nhà chỉ để mùa hè gia đình nghỉ ngơi sau những ngày nghỉ cuối tuần và cho công nhân có chỗ ăn ở những lúc trồng cây, gây rừng. Qua kiểm tra thực tế, UBND phường nhận thấy, việc xây dựng ngôi nhà của ông Thanh cách xa dòng chảy Suối Lương 40m... nên cũng không ảnh hưởng nguồn nước Suối Lương”. Trong khi đó, tại điều 27 Quyết định 15/2005/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 2-2-2005 về việc ban hành quy định về cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn thành phố nêu rõ: “Phạm vi bảo vệ nguồn nước mặt được quy định như sau: Tính từ điểm lấy nước (công trình thu nước) lên thượng nguồn, phạm vi bảo vệ là 400m. Đối với đập ngăn nước suối, phạm vi bảo vệ là lưu vực suối. Trong khu vực nguồn nước mặt, nghiêm cấm những hành vi sau: Xây dựng bất cứ công trình nào trên bờ, trên, dưới mặt nước làm ảnh hưởng tới chất lượng nước. Xả nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước canh tác nông nghiệp chảy vào sông, suối. Người và gia súc tắm, giặt”.
Ông Hồ Trương Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng bức xúc: “Nhà máy nước Hải Vân hiện đang cung cấp nước sạch cho 19 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Liên Chiểu và hơn 100 hộ dân phường Hòa Hiệp Bắc. Nguồn nước đầu nguồn của nhà máy đang bị đe dọa và nguy cơ bị ô nhiễm rất cao. Vì vậy, thời gian gần đây, công ty tiếp tục gửi văn bản kiến nghị đến các cấp chính quyền thành phố nhờ can thiệp giải quyết. Song, trường hợp vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Thanh vì sao chưa xử lý dứt điểm?”.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN - TRỌNG HÙNG