Tờ The Mercury News vừa đăng bài viết của tác giả John Boudreau về những sự đổi thay của thành phố Đà Nẵng, nhận định “Đà Nẵng là điểm đến tiếp theo” của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã và đang thiết lập một nền móng vững chắc để đưa thành phố trở thành trung tâm thu hút đầu tư của Việt Nam.
Từ văn phòng mới của họ tại Đà Nẵng, Le H. Hung và Steve Cook, hai nhà cựu quản lý ở thung lũng Silicon, có thể nhìn ra toàn cảnh thành phố bên bờ sông Hàn.
Các kỹ sư phần mềm đang làm việc tại văn phòng Enclave ở Đà Nẵng. |
Steve Cook, Chủ tịch và Le H. Hung, Giám đốc điều hành của Enclave đã được UBND thành phố Đà Nẵng hoan nghênh vì đã chọn Đà Nẵng làm địa điểm đầu tư. Họ có thể xin gặp lãnh đạo thành phố bất kỳ lúc nào và các quan chức chính quyền thành phố rất hoan nghênh các nhà đầu tư Mỹ. Lý do là vì lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hi vọng những doanh nhân này sẽ giúp Đà Nẵng ngày càng thịnh vượng hơn bằng việc đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghệ cao, phát triển phần mềm chứ không chỉ nổi tiếng với ngành du lịch và những bãi biển dài hàng chục km.
Tại Đà Nẵng, cũng như nhiều địa phương khác tại Việt Nam, các cuộc hội thảo về đầu tư thường xuyên được tổ chức. Các nhà đầu tư và các tập đoàn đa quốc gia như Intel, HP, IBM và Sun Microsystems hiện đang hối hả xây dựng nhà máy tại nơi mà chỉ vài năm trước người Mỹ vẫn còn làm ngơ.
Đầu tư từ Mỹ giai đoạn 1998-2007 đứng thứ 7, tuy nhiên lượng đầu tư này có thể trở thành lớn nhất tại Việt Nam. Năm ngoái, tổng cam kết đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lên đến hơn 20 tỷ USD, cao gần gấp hai lần so với năm 2006. Hon Hai - nhà sản xuất hàng điện tử hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất phụ kiện cho các công ty HP, Apple - đã thông báo công ty đang đầu tư 5 tỷ USD tại Việt Nam.
Việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ đã làm cho tiếng nói của đất nước này trở nên có trọng lượng hơn.
Steve Cook, Chủ tịch Enclave, đã quyết định phát triển công ty phần mềm tại Đà Nẵng sau khi trở lại từ thành phố Hồ Chí Minh. |
Hai năm trước, Chủ tịch Microsoft Bill Gates đã thăm Việt Nam. “Việt Nam là một đất nước đầy triển vọng. Các trường đại học của họ có trình độ cao và có năng lực lớn”, Gates nói với Mercury News. Công cuộc đổi mới kinh tế khởi động từ năm 1986 đã làm cho Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở của thế giới. Hiện tỷ lệ người nghèo của Việt Nam còn thấp hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ và Philippine. Việt Nam, từ một quốc gia từng phải nhập khẩu gạo trong những năm 1980 của thế kỷ trước, thì ngày nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo, cà phê lớn thứ hai trên thế giới và là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về hàng nông - thuỷ sản. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 8,5%.
Ông Matthew Heller, người sáng lập ra một công ty phần mềm tại San Francisco và hiện đang là giảng viên tại trường Fulbright thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng tại Việt Nam người ta nói chuyện kinh doanh 24/24 giờ.
Người Việt Nam cũng nổi tiếng về tính lạc quan.
“Việt Nam là người đẹp ngủ trong rừng nhưng nay đã thức giấc”, Hana Dang, Giám đốc Công ty đầu tư Bankinvest của Đan Mạch có trụ sở trên đường Đồng Khởi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, ví von. Bankinvest có mức doanh thu hàng năm là 30 triệu USD. “Tư duy đang dần thay đổi. Mọi người có thể kiếm tiền và chúng tôi không có gì để mất”, Dang nói.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với những thách thức lớn. Lạm phát ngày càng tăng đang gây áp lực lớn lên một đất nước vẫn còn thuộc diện nghèo. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, một số người thậm chí còn đang lo lắng đối với hiện tượng “bong bóng” trong thị trường bất động sản.
Tăng trưởng nhanh cũng đang gây ra áp lực đối với đất nước vốn có một nền tảng cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Mất điện không phải là chuyện lạ, ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh là việc xảy ra thường xuyên.
Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam nhỏ bé và đang phát triển cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển chung của đất nước. Việc thiếu các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao đồng nghĩa với việc các công ty phải ráo riết cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn.
Điều đó lý giải tại sao Le H. Hung và Cook tìm đến Đà Nẵng để tái khởi động sự nghiệp sau một vài năm hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc hưởng lợi từ giá thuê mặt bằng và nguồn nhân công rẻ (khẩu hiệu của công ty là đưa ra mức giá thấp nhất Châu Á), họ có thể thu hút được những sinh viên tốt nghiệp ưu tú nhất từ Đại học Đà Nẵng thông qua các chương trình thu hút nhân tài của mình, theo đó các sinh viên đang trong thời gian học có cơ hội tích lũy kinh nghiệm và tạo thu nhập.
Theo Cook, hiện nay Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam và chính là hình ảnh của thành phố Hồ Chí Minh 10 năm về trước, là một công trường kinh tế trầm lắng nhưng tăng trưởng nhanh. Những khu resort sang trọng đang được xây dựng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng là 13%, cao hơn nhiều so với mức trung bình cả nước.
“Đà Nẵng là một điểm đến tiếp theo”, Hung nói.
Sau khi Enclave đặt trụ sở tại Đà Nẵng, FPT – công ty công nghệ nội địa lớn nhất Việt Nam - đã thông báo đầu tư 952 triệu USD để thành lập một công viên phần mềm và trung tâm đào tạo tại thành phố Đà Nẵng. Sẽ còn nhiều công ty nữa tiếp bước Enclave, FPT.
Hiện nay, tại Việt Nam, tình hình an ninh trật tự ổn định, kết hợp với lực lượng lao động trẻ, thông minh đã làm cho đất nước này trở nên ngày càng hấp dẫn.
Cook thường dạo chơi dọc biển Đà Nẵng vào lúc hoàng hôn. Trong các quán ăn, người Việt Nam ngồi trên những chiếc ghế nhựa, ăn thịt nướng và uống bia. Cook chỉ tay về phía cây cầu sắp hoàn thành. Đây là hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng nối trung tâm thành phố Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà, nơi nhiều dự án phức hợp hàng tỷ USD đang triển khai thực hiện.
“Việt Nam đang khiến người khác phải nhìn lại với một cái nhìn đầy ngưỡng mộ”, Cook nói.
THÁI HÀ (lược dịch)