.

Để ngư dân “sống chung” với bão

.

* Tăng cường kiểm tra công tác an toàn của người đi biển

Bão số 1 gây tổn thất về người và phương tiện cho ngư dân miền Trung. Hoạt động đánh bắt hải sản vùng duyên hải miền Trung vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn bởi dầu tăng giá, lao động thiếu, bão gây thiệt hại nặng, tàu nằm bờ tăng.

Đón ngư dân bị nạn trên biển trở về.

Tàu ĐNa 6456 do ông Nguyễn Văn Hòa, ngụ tổ 3, phường Xuân Hà (Thanh Khê), làm chủ cùng 20 thuyền viên vừa trở về sau bão số 1 ít ngày. Họ chở theo 7 thuyền viên trên tàu ĐNa 0467 bị nạn phải nằm lại giữa biển.

Đây là lần thứ 3 kể từ 3 năm trở lại đây, tàu này bị nạn do bão. Đợt bão Chanchu tàu trở về nhưng thiệt hại khá nặng. Vừa khôi phục xong, ra khơi vài chuyến, bão Xangsane đánh cho tơi tả. Lại mất ngót năm trời nằm bờ. Giữa năm 2007, sau sự cố một ngư dân mất tích trên biển do lật thúng khi đang câu mực, tàu tiếp tục nằm bờ nhiều tháng. Chuyến biển đầu tiên của năm 2008, “dính ngay” bão số 1. 20 ngư dân trở về an toàn, nhưng giàn phơi mực và hơn chục chiếc thúng phải để lại biển khơi. Tính ra, 3 năm gần đây, tàu mất tích 1 người, thiệt hại về vật chất ước 300 triệu đồng.

Ngồi trên bãi biển Thanh Bình chờ đón ngư dân bị nạn trở về vào sáng 22-4, bà Nguyễn Thị Hạ (vợ ông Hòa) cho hay, đợt này trở về bà kiên quyết không cho ông ra khơi. Thiên tai dồn dập, không chỉ người trên biển khó bảo toàn tính mạng mà người ở nhà cũng đứng ngồi không yên. Vừa thấy ông bước lên từ chiếc thúng, bà nhào tới ôm chầm lấy và cứ thế nức nở. Còn bà Lê Thị Tỵ, 62 tuổi, ngụ Thanh Khê Đông, phờ phạc sau nhiều ngày trông tin đứa con thứ 2 là Lê Bá Cường bị nạn trên biển. Tháng trước, con trai cả của bà, anh Lê Văn Dũng bị thương rất nặng đang điều trị tại Trung Quốc sau vụ tàu chìm do nổ bình gas. Bà cho hay: Kể từ nay, không cho con bước xuống tàu nữa. Có thể nói, thiên tai tàn khốc trên biển đang gây nỗi bất an trong ngư dân và gia đình họ.

Ngư dân trên tàu Đna 0467 bị nạn trở về.

Làm gì để hạn chế rủi ro trên biển, lấy lại niềm tin cho ngư dân? Trước hết phải thấy rằng, thiệt hại trong bão số 1 vừa qua một phần do chất lượng tàu thuyền không bảo đảm, không trang bị đầy đủ phao cứu sinh. Các tàu bị chìm chủ yếu do chết máy hoặc dây neo bị đứt. Khi bão cường độ lớn, các tàu vừa sử dụng cùng lúc 2 neo, vừa nổ máy chạy công suất lớn, gài số tiến chống chọi với bão. Tại thời điểm đó, chỉ cần tàu chết máy, hoặc dây neo đứt, khó tránh khỏi tai họa. Khi gặp nạn, ngư dân không có phao cứu sinh, chỉ ít phút khi rơi xuống nước là bị sóng nhấn chìm.

Nói đúng hơn, sự cố trong bão số 1 năm nay chẳng khác gì bão Chanchu gần 3 năm trước. Ghi nhận của các tàu hải quân đi cứu nạn trong bão số 1 là, tại 10 tàu của ngư dân, không tàu nào có phao cứu sinh. Anh Nguyễn Văn Đức, ngư dân duy nhất trên tàu QNg 95177 được cứu sống, nhờ bám vào can nhựa. Ngoài ra, công tác cứu nạn diễn ra quá chậm, chưa có sự thống nhất giữa đất liền và trên biển. Đó là chưa kể công tác dự báo bão chậm đổi mới, thông tin liên lạc chưa thông suốt.

Tàu không bảo đảm chất lượng, không có phao cứu sinh ra khơi, ai chịu trách nhiệm? Thử hỏi những năm qua, có bao nhiêu tàu bắt buộc ngừng hoạt động do chất lượng không bảo đảm? Bao nhiêu tàu đã xả bản, máy móc bán phế liệu? Chắc chắn gần như không có, mặc dù có tàu tuổi thọ đã ba bốn chục năm. Rồi chất lượng dây neo tốt xấu, ai giám sát, kiểm tra? Giàn phơi mực quá cồng kềnh chậm đổi mới. Đề án khoa học về lĩnh vực này do Trường Đại học Bách khoa triển khai đã 4 năm, nay chưa có tín hiệu gì lạc quan.

Theo chúng tôi, không nên nể nang trong khâu kiểm tra giám sát tàu thuyền trước khi ra khơi. Tàu nào không đủ phao cứu sinh, dây neo, máy tàu kém chất lượng không cho ra khơi, sẽ hạn chế thiệt hại khi có bão tố. Bên cạnh đó, để ngư dân xử lý linh hoạt các tình huống trên biển, nên chăng ngành Thủy sản-Nông-Lâm, Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy PCLB tổ chức luyện tập các phương án đối phó với bão cho ngư dân. Thành phố cần ưu tiên đầu tư cho ngư dân, nhất là trang bị thêm máy thông tin liên lạc và phao cứu sinh. Đánh bắt theo đội hình tổ đội đã triển khai, tuy nhiên cần nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn của các tàu cùng biên đội…

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.