Các DN trong Chi hội Dệt-may Trung Trung Bộ vừa có công văn gửi Hiệp hội Dệt-may Việt Nam kiến nghị giúp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu liên quan đến vấn đề lãi suất ngân hàng và vay tài chính.
Họ cho biết, việc khống chế 30% phát triển tín dụng ở các ngân hàng đang gây khó cho giao dịch mở L/C của DN, và lãi suất ngoại tệ cho vay được tính bằng tiền Việt Nam đã cản trở nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Hoạt động của các DN dệt-may đang gặp khó khăn từ lãi suất ngân hàng và vay tài chính. |
Một DN dệt-may nhìn nhận, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hạn chế phát triển vay tín dụng dưới 30% đang được nhiều ngân hàng tiến hành kiểu “cào bằng hệ thống”. Nghĩa là các ngân hàng không cần xem xét mức vay nợ tín dụng ở từng khu vực, chi nhánh ngân hàng đạt bao nhiêu, chỉ cần thấy con số tổng mức vay tín dụng toàn hệ thống đến 30% là khóa sổ. Vô hình trung, các DN ở miền Trung và vùng xa sẽ bị thiệt thòi vì họ vẫn chưa vay đến mức 30% được phép, trong khi các DN ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có thể vay vượt mức này trước hạn khóa sổ. Do đó, có DN dệt-may ở Đà Nẵng chỉ mới vay được 20% hạn mức tín dụng ngân hàng đồng ý đã không thể mở tiếp được L/C để nhập nguyên phụ liệu và vay vốn lưu động.
Cạnh đó, thay đổi về lãi suất cho vay hiện nay dự kiến sẽ tăng lên sau tháng 5-2008 đang khiến nhiều ngân hàng từ chối các yêu cầu vay vốn kinh doanh và bảo lãnh mở L/C. Đại diện một ngân hàng thương mại cho rằng, nếu chấp nhận cho các DN vay làm ăn, sắp đến khi lãi suất thay đổi tăng lên, thì phần lỗ phát sinh không nhỏ. Các ngân hàng không thể vì lý do hỗ trợ DN mà tự gây khó khăn cho mình để chấp nhận khả năng này, nếu không có can thiệp chỉ đạo từ Nhà nước.
Một điểm khó nữa của các DN xuất khẩu là kể từ tháng 3 lại đây, rút bài học tỷ giá ngoại tệ biến động, các ngân hàng đều áp dụng quy định các khoản vay ngoại tệ sẽ phải nhận nợ và trả lãi vay theo mức vay tiền Việt, bình quân từ 1,3 - 1,6%/tháng. Mức lãi này cộng với phần trượt giá đầu vào hơn 20% qua 4 tháng vừa rồi đang khiến nhiều DN xuất khẩu điêu đứng.
Điều khiến các DN xuất khẩu lo lắng là dự báo những biến động giá cả và lãi suất trong thời gian đến sẽ còn gia tăng, càng gây thêm áp lực cho họ. Hệ quả là đến nay, hầu hết DN này đều phải dừng các dự án đầu tư phát triển, đầu tư chiều sâu, để chỉ tập trung cho tài chính kinh doanh lưu động. Các đơn vị lớn như Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Vinatex Đà Nẵng hiện đều phải dừng mọi dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉ trừ một số hạng mục, dự án nhỏ đã triển khai sắp hoàn thành. Một số DN còn phải từ bỏ những đơn hàng có thể ít lãi để khỏi bị lỗ sau thanh toán, kể cả đó là đơn hàng của các khách hàng lâu năm. Đại diện Hiệp hội Dệt-may Trung Trung Bộ cho biết, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, uy tín và cơ hội phát triển dài lâu của các DN dệt-may miền Trung đều sẽ bị
ảnh hưởng.
Theo các DN, thông tin tích cực đang có, là vụ điều tra phá giá vào thị trường Mỹ của họ đã có những tín hiệu tốt hơn khi các cơ quan chức năng của nước này không tìm thấy chứng cứ phá giá của hàng dệt-may Việt Nam. Như thế, đến tháng 9-2008, phía Mỹ có thể công bố chính thức khép lại vụ việc này và cơ hội làm ăn xuất khẩu của các DN dệt-may sẽ được hồi phục trở lại. Do đó, DN nào cũng mong muốn được tạo điều kiện chuẩn bị tốt nhất để đón đầu tình hình, kịp có các đơn hàng xuất khẩu mới, giành lại thế chủ động sau một thời gian dài phải “ẩn nhẫn chịu đựng”. Nhưng liệu với diễn biến lãi suất và tài chính như hiện tại, các DN có đủ tự tin vươn tay nắm lấy thời cơ mới hay không, câu hỏi này đành trông vào sự can thiệp của các cơ quan chức năng và sự linh động ứng phó của các ngân hàng!
Bài và ảnh: THỤY BẤT NHI