.

Dự báo phải chuẩn xác!

.

Bên lề hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến năm 2020 diễn ra ngày 16-5-2008, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Bùi Văn Ga, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đã trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng điện tử một số vấn đề về công tác dự báo và lập quy hoạch hiện nay từ góc độ một nhà nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Bùi Văn Ga cho rằng, chính do bản dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đến năm 2020 do Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư xây dựng là một công trình công phu, nghiêm túc, nên ông -  với tư cách một nhà khoa học, khó chấp nhận những sơ hở về khía cạnh dự báo trong đó. Chí ít ngay từ trực quan lắng nghe, những đại biểu tham dự hội thảo đã có thể nhận ra ngay nhiều chi tiết mang tính chủ quan, suy đoán trong bản dự thảo, như dự báo chỉ số tăng trưởng của Đà Nẵng đến năm 2020 chỉ dựa vào những con số thành quả quá khứ, phác thảo các ngành nghề công nghiệp chủ lực và dịch vụ tương lai và không thể hiện hết tầm nhìn chiến lược từng giai đoạn...

Một góc Đà Nẵng, nhìn từ trên cao.

Khá nhiều vấn đề định hướng phát triển quan trọng đã được bản dự thảo đưa ra, nhưng việc phân tích các cứ liệu khoa học, đề ra giải pháp và hướng thực thi lại chưa rõ ràng, thậm chí chỉ đi vào tiểu tiết hơn là hoạch định sách lược.

Theo Giáo sư Ga, những khiếm khuyết như vậy lẽ ra không thể có trong dự thảo quy hoạch tổng thể cho Đà Nẵng, một vấn đề lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đến định hướng, lộ trình đầu tư, xây dựng kinh tế - xã hội địa phương những năm đến. Chỉ cần một chút sai lệch, chủ quan về nhận định, dự báo ở đây cũng sẽ mang lại không ít hệ quả nghiêm trọng cho các chương trình hành động tiếp theo. Đáng nói hơn, tại sao trước thời điểm tổ chức hội thảo này, các đơn vị cùng tham mưu xây dựng, trong đó chủ lực là Sở Kế hoạch – Đầu tư, lại không tích cực góp ý với dự thảo để kịp chỉnh sửa ngay (?).

Tất cả cho thấy vẫn có một độ lệch pha nhất định trong trách nhiệm và nội dung hành động của các nhà tư vấn, tham mưu và xây dựng nên dự thảo này. 

“Dự báo cần phải chính xác, nếu không xin đừng dự báo, mà chỉ cần đưa ra hiện trạng, hiện tượng trực quan là được rồi, để những người tiếp thụ chủ động suy nghĩ tiếp”, Giáo sư Ga bày tỏ quan điểm. Vấn đề này, theo ông, có vẻ sẽ không được nhiều người hài lòng, nhưng lại đang là sự thật phải đặt ra với các công trình dự báo quy hoạch, chương trình hành động ở hiện tại và tương lai. Trong đó, chính những người làm công tác dự báo phải mạnh dạn xem lại chính phạm vi hoạt động, trách nhiệm xử lý của mình để đừng chủ quan đưa ra những biểu đồ dự báo thiếu cơ sở khoa học, với lập luận kiểu “chờ nghe góp ý rồi sửa lại sau”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tâm tư của Giáo sư Ga không phải là cá biệt. Không ít các nhà khoa học và cả doanh nhân địa phương cũng lo ngại chỉ ra, Đà Nẵng đã từng phải “trả giá” điều chỉnh cho những con số kế hoạch quá cao, quá lạc quan trong thời gian qua, nên không thể chấp nhận những dự báo mơ hồ trên văn bản nữa. Cần phải có những góc nhìn mới, biện pháp và phương pháp mới để thực hiện các dự báo quy hoạch, phát triển đầu tư cho Đà Nẵng một cách chặt chẽ, trách nhiệm hơn. Nhất là những người trực tiếp đặt chữ ký của mình lên những bản thảo thể hiện vận mệnh vươn lên của thành phố trẻ năng động này, xin hãy chỉ chấp nhận sự chuẩn xác nhất trong thông tin dự báo!

Nhạc Duy Hạ

;
.
.
.
.
.