.

Giá xăng dầu “nhấn chìm” tàu cá

.

Từ năm 2003 đến nay, xăng dầu đã nhiều lần tăng giá. Ảnh hưởng từ việc giá xăng dầu biến động, Đà Nẵng đã xảy ra một “hiện tượng” lạ chưa từng có. Trời yên biển lặng nhưng dọc trên sông Hàn, tàu cá nằm bờ đậu san sát, ken dày.

Nặng nề những chuyến ra khơi

 Trời yên biển lặng nhưng xăng dầu tăng giá đã khiến tàu nằm bờ dày đặc trên sông Hàn.


Chưa bao giờ ngư dân Đà Nẵng đối mặt với nhiều nỗi lo như hiện nay. Chỉ tính riêng khoản xăng dầu, chi phí cho một đôi tàu 45 CV từ 20-25 triệu đồng ở năm 2003, năm 2005 tăng lên 35-40 triệu đồng, đến 2007 con số ấy đã dội lên đến mức 60-65 triệu đồng cho một chuyến biển. Chỉ trong vài năm, chi phí xăng dầu đã tăng gấp 3 lần, trong khi giá hải sản chỉ tăng nhẹ, khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg, lúc cao nhất cũng chỉ tăng từ 30-40% nhưng những dịp hiếm hoi ấy chỉ vào lúc hàng đang khan. Bên cạnh đó, nguồn lợi hải sản ngày càng sụt giảm, các thực phẩm thiết yếu phục vụ cho nghề biển liên tục tăng giá.

Vừa thanh toán cho chủ nợ tiền gạo, đá, thịt… chuyến biển mới về, chuyến sau, cũng ngần ấy thực phẩm, chủ tàu đã phải trả gấp đôi. Đồng đô-la mất giá làm xuất khẩu gặp khó khăn cũng ảnh hưởng lớn đến việc thu mua nguyên liệu hải sản của ngư dân. Trước sức ép đó, những chuyến ra khơi của ngư dân đã phải “đau đầu”, cân nhắc chuyện lời lỗ,  trước khi cho tàu rời bến.

Ngư dân ra biển như đi đánh bạc nên một lần thắng đã 10 lần thua. Chuyến nào cũng lỗ từ 15- 30 triệu đồng, các chủ tàu đành nằm bờ thúc thủ. Phường An Hải Tây (Sơn Trà) từ cuối năm 2007 đến tháng 4-2008, 100% tàu phải nằm bờ, dù tổng số tàu của toàn phường không hề nhỏ: 281 chiếc.

Chưa kể đến hơn 20 chiếc tàu đã bị bán và “xả bản” (tháo ra bán phế liệu). Ra khơi lỗ, nằm bờ cũng chẳng gì hơn, vì máy móc, tàu bè bị xuống cấp rất nhanh, nhiều chủ tàu “nóng ruột” vay mượn tiền ra khơi tiếp. Giữa tháng 4 đến nay đã có 40-50% số tàu của An Hải Tây lại ra khơi trong tâm trạng đầy phập phỏng, lo âu.

Chị Đặng Thị Bê, vợ anh Đặng Mầy, một “đại gia” của phường An Hải Tây với cặp tàu lên đến 500 CV than thở: “Chuyến nào chúng tôi cũng phải đập vào 15-20 triệu đồng và cứ phải lấy tiền dành dụm bấy lâu nay để bù lỗ.
 
Nếu đi thêm 5, 7 chuyến mà vẫn cứ tình trạng này, e chúng tôi không thể bám biển tiếp”. Nhiều chủ tàu cố mượn tiền để bươn ra biển nhưng chuyến sau đã không thể vì hiện nay không ai dám cho họ vay tiền nữa. Hộ anh Nguyễn Văn Xê, Trần Văn Em… cũng như rất nhiều chủ tàu khác, 2 năm nay đã cho tàu nằm bờ và tiền nợ gạo cho những chuyến biển của những năm trước đến nay vẫn chưa trả nổi. Để kiếm cái ăn hằng ngày, họ làm tất cả mọi việc như thợ hồ, thợ mộc, bốc gỗ thuê… Anh Xê nói như khóc: “Chủ tàu ngon lành như ai nay tất cả đã trở thành con nợ”.

“Phao” nào cho ngư dân

Từ vị trí chủ tàu, anh Xê phải đi phụ hồ để nuôi con.


Để bù lỗ xăng dầu, hỗ trợ cho ngư dân, Chính phủ đã có Nghị định 289 quy định tàu nào hoạt động liên tục 6 tháng sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/4 lần/năm, với loại tàu 40 CV. Tàu 90 CV sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng/3 lần/năm và dưới 40 CV sẽ nhận 3 triệu đồng/5 lần/năm. Thực tế, nếu trời yên biển lặng, ngư dân có thể đi 18-20 chuyến biển/năm, nếu theo mức hỗ trợ đó, họ chỉ nhận được từ 15 đến trên 20 triệu đồng/năm, chưa đủ bù lỗ cho một chuyến biển. Quy định này được áp dụng từ năm 2008 nhưng theo ông Nguyễn Quang Nga, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng: “Đến nay, ngư dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 289 vì các phường đang thống kế danh sách ngư dân, tổng hợp số liệu rồi mới báo cáo thành phố để nhận tiền”. Dù số tiền ít ỏi nhưng đa số ngư dân vẫn rất nóng lòng nhận được số tiền hỗ trợ đó để trang trải bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Hiện nay, dù đi biển là nghề truyền thống nhưng đa số ngư dân đều muốn bán tàu để chuyển sang làm nghề khác. Trước đây, mỗi chiếc tàu đầu tư 600 triệu đồng hoặc vài tỷ đồng, bây giờ chỉ bán được 25-60 triệu đồng, trong lúc họ đều vay ngân hàng, vì thế, tất cả vẫn loay hoay trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bên cạnh đó, theo quy định chung của Chính phủ, hiện nay, các địa phương đang hạn chế việc đóng mới, sửa chữa tàu có công suất dưới 40 CV, tiến đến, không lưu hành các tàu nhỏ, nhưng trên 2.000 chiếc tàu hiện có của Đà Nẵng, mà trong số đó có đến 30% là tàu có công suất dưới 40 CV. Tàu lớn muốn sang. Tàu nhỏ muốn bán. Địa phương nào có nghề làm biển trên phạm vi toàn quốc cũng đều chung cảnh ngộ, dẫn đến tình trạng ngư dân không thể bán được tàu, phải ở trong tình thế “chết dở, sống dở”.

Riêng phường An Hải Tây có 2.224 hộ dân và 90% người dân sống bằng nghề biển. Năm nào thành phố cũng hỗ trợ 17-20 tấn gạo để bà con ăn Tết. Nếu tình hình xăng dầu, thực phẩm cứ tiếp tục trượt giá, lãnh đạo phường đang lo âu chỉ một năm sau sẽ có đến 60-70% hộ dân ở đây rớt xuống hộ nghèo.
Nhiều lãnh đạo tâm huyết với nghề biển cho rằng: “Chính phủ nên mạnh dạn có một Chương trình lớn  của quốc gia bằng cách thu mua hết các tàu có nhu cầu muốn bán với giá ưu đãi để ngư dân nộp lại cổ phần theo quy định, trở thành những cổ đông của một Tổ hợp đánh bắt cá hùng mạnh với công suất tàu lên đến 700 - 1.000 CV, có máy ướp lạnh, máy tầm ngư… vừa có thể cạnh tranh đánh bắt với tàu cá Trung Quốc, vừa bảo đảm chủ trương lớn của Nhà nước “Kết hợp kinh tế với quốc phòng”. Xăng dầu tăng giá sẽ “nhấn chìm” hết tàu cá.Viễn cảnh u tối đó hoàn toàn có cơ sở nếu trong một tương lai gần Chính phủ không ném cho ngư dân một cái “phao”…

THU HÀ

;
.
.
.
.
.