.
HỘI THẢO QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020

Phát triển kinh tế phải cân bằng với an sinh xã hội

.

Sáng ngày 15-5, UBND thành phố tổ chức Hội thảo về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Chủ tịch UBND thành phố, tiến sĩ Trần Văn Minh chủ trì hội thảo.

Giảm 1% chỉ tiêu GDP cho phù hợp thực tế


Tại Hội thảo, tiến sĩ Lê Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (CLPT) thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KHĐT) trình bày dự thảo báo cáo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 do Viện CLPT và Sở KHĐT xây dựng. Theo đó, quan điểm phát triển chung là: Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ là đô thị hạt nhân có một vị trí rất quan trọng với mục tiêu chiến lược phát triển vùng, liên kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là thành phố công nghiệp, một trong những trung tâm thương mại dịch vụ của cả nước.

Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, áp dụng chính quyền đô thị. Phát triển của Đà Nẵng phải có tính bền vững gắn với việc phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng an ninh. Xuất phát từ thực tế, những năm gần đây khu vực miền Trung luôn chịu ảnh hưởng của thiên tai, thị trường trong nước diễn biến không thuận lợi, tình hình lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, báo cáo đề xuất điều chỉnh quy hoạch đến năm 2010, nhịp độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả thời kỳ 2006-2010 đạt 12,5-13%, tức giảm 1% so với chỉ tiêu đã được Thành ủy thông qua. Cơ cấu kinh tế của thành phố đến năm 2010 là Công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp.

Đến năm 2020, thành phố duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế 12-13% hằng năm, chiếm 2,9% GDP toàn quốc và chuyển dịch cơ cấu sang: Dịch vụ, công nghiệp và xây dựng; nông, lâm, ngư nghiệp. Báo cáo đưa ra 3 phương án phát triển và đề xuất chọn phương án phát triển trung bình, tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn cả nước, trở thành một cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Báo cáo cũng đề xuất 8 nhóm giải pháp phát triển cho các lĩnh vực.

Cần xác định và phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực

Phản biện với dự thảo báo cáo, GS-TSKH Bùi Văn Ga nhận xét: Bản quy hoạch vẫn chưa xác định sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố từ sau 2010 là gì. Những sản phẩm được coi là chủ lực như bia, thức uống, đồ chơi trẻ em không phải là chủ lực của một thành phố công nghiệp. Nói chung, định hướng phát triển công nghiệp còn rất lúng túng. Bản quy hoạch đề cập đến phát triển dịch vụ chất lượng cao như: Tài chính, giáo dục-đào tạo, chăm sóc y tế nhưng không đưa ra những giải pháp khả thi. Nói xây dựng thành phố môi trường nhưng chưa tính đến phát triển hệ thống giao thông công cộng chạy bằng nhiên liệu sạch.

PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III phản biện: Dự thảo quy hoạch đề xuất phải xây dựng Đà Nẵng là thành phố công nghiệp trước năm 2020 mà không định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức là không thể chấp nhận được. Bởi vì từ thiếu sót này, định hướng mục tiêu, giải pháp phát triển nói chung và các lĩnh vực nói riêng chưa sáng tỏ. Trong phần đề nghị bổ sung giải pháp thực hiện, ông đề nghị: Gắn xây dựng thành phố công nghiệp với giải quyết tốt các vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Gắn phát triển kinh tế với xây dựng Đảng, xây dựng văn hóa-nền tảng tinh thần của xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng đề nghị: Việc lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và tập trung các khâu đột phá trong nền kinh tế nên sắp theo thứ tự ưu tiên: Trung tâm dịch vụ chất lượng cao, trung tâm kinh tế biển, cơ sở hạ tầng hiện đại, trung tâm khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Dự thảo quy hoạch cần làm rõ thêm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ các dự án du lịch, dịch vụ và công nghiệp. Các ý kiến phản biện, góp ý tại Hội thảo đều nhất trí với phương án phát triển đã đề xuất chọn trong dự thảo quy hoạch.

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh tiếp thu các ý kiến đóng góp và yêu cầu ban soạn thảo cần xem xét bổ sung những thiếu sót của bản dự thảo quy hoạch. Quy hoạch cần đặt Đà Nẵng trong mối liên kết các tỉnh miền Trung, là một trong 5 vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó cần quan tâm vấn đề tái đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế, tránh việc quan tâm phát triển kinh tế mà xem nhẹ quan tâm các mục tiêu an sinh xã hội. Dự thảo lần tới phải kịp trình HĐND thành phố thông qua trong kỳ họp tới.

S.T

;
.
.
.
.
.