.
KHU ĐÔ THỊ KIỂU MẪU

Nhiều, nhưng thiếu đồng bộ trong đầu tư

.

Lần đầu tiên, Bộ Xây dựng tiến hành công bố tiêu chuẩn và chuẩn bị công nhận khu đô thị kiểu mẫu trên phạm vi toàn quốc. Với việc xây dựng đô thị Đà Nẵng thành thành phố hiện đại, văn minh, Thành phố môi trường, Đà Nẵng đã có ưu thế để xây dựng nhiều khu đô thị kiểu mẫu.

Nhiều, nhưng nhỏ lẻ

Khu đô thị phía nam đường Điện Biên Phủ.

Với những dự án phát triển đô thị ở thành phố, có thể thấy rõ Đà Nẵng hiện có rất nhiều khu đô thị mới. Đó là các khu đô thị nam cầu Trần Thị Lý, nam đường Điện Biên Phủ, đường Nguyễn Tri Phương, khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị cầu Tuyên Sơn, khu đô thị dọc tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc, Mân Quang, Hòa Hải… Riêng Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng 579 đã có khu đô thị mới Phú Mỹ An. Nhưng hiện tại, các khu đô thị cũng chỉ dừng lại ở cách gọi là khu dân cư X, Y, Z…

Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, nếu quy hoạch đầu tư xây dựng, chỉnh trang lại đô thị với diện tích trên 20 ha là dự án đã tương ứng với khu đô thị. Tuy nhiên, do những quy định thiếu chặt chẽ, thiếu ràng buộc về tính pháp lý từ các cơ quan quản lý nên phải… lách đi. Bởi quy hoạch khu đô thị phải được Chính phủ phê duyệt. Nếu là khu dân cư thì Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt. Một dự án khu đô thị nếu thực hiện đúng quy trình, tức để có chữ ký của Chính phủ, tiến độ thực hiện dự án rất chậm và 10 năm nữa, Đà Nẵng mới có diện mạo đô thị như hiện nay (do thời gian xét trình quy hoạch, quản lý đầu tư).

 

MỘT SỐ TIÊU CHÍ CÔNG NHẬN KHU ĐÔ THỊ KIỂU MẪU


 - Diện tích khu đô thị mới không nhỏ hơn 20 ha. - Quy mô dân số hoặc số lượng căn hộ thuộc khu đô thị từ 5.000 người trở lên hoặc tương đương khoảng 1.000 căn hộ, hộ gia đình các loại.

- Yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tỷ lệ lấp đầy theo quy hoạch tính theo diện tích lớn hơn 70%.

- Khoảng cách tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng từ nơi ở, làm việc không quá 500 m. - Tiêu chuẩn cấp nước từ 150 lít/người/ngày trở lên. (Trích Thông tư số 10/TT-BXD của Bộ Xây dựng)

 
Vấn đề không phải xé nhỏ khu đô thị để “vượt quyền” trong đầu tư mà xây dựng khu dân cư sẽ đáp ứng yêu cầu về năng  lực và quản lý điều hành của thành phố, nhất là trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư. Thực tế này đã được chứng minh với việc xây dựng khu đô thị mới đường Nguyễn Tri Phương nối dài. Khu đô thị này có 7-8 khu dân cư mới. Tuy nhiên nếu khớp nối quy hoạch thì không phá vỡ quy hoạch tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt. Điều cần thiết hiện nay là sau khi hoàn thành các khu dân cư mới, cần thiết phải “trả lại tên cho em”, tức phải công nhận đó là khu đô thị mới.

Nhiều, nhưng thiếu đồng bộ

Sự thiếu đồng bộ ở đây là trong đầu tư. Nói cách khác, đó là đầu tư dở dang, dàn trải. Khu đô thị Tây Bắc, quận Liên Chiểu mới hình hành được vài khu dân cư mới, còn các khu vực trọng điểm như Trung tâm huấn luyện TD-TT thì còn… trên giấy; các vệt biệt thự đô thị thì tiến hành dở dang. Về giao thông, các tuyến đường có thảm nhựa, chưa thảm nhựa còn đan xen. Các cơ sở hạ tầng về văn hóa, thể dục-thể thao, công viên, nhà trẻ… chưa được đầu tư. Việc đánh số nhà và tự ghi số nhà thì “rối như canh hẹ” và có khi phản cảm với: “lô X” đường 5,5 mét, khu B… Vì sao từ số nhà lại chuyển sang lô thửa đất? Đặc biệt, cây xanh đô thị còn bỏ ngỏ dù dự án từ khi triển khai đã ghi vốn nhưng qua nhiều năm, khu đô thị mới vẫn “đồng không mông quạnh” không một bóng cây.

Thiết nghĩ, việc Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, đăng ký công nhận khu đô thị kiểu mẫu không phải vì mục đích… thành tích mà sâu xa hơn ấy là danh dự của địa phương, và là trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư. Người dân sống trong các khu đô thị kiểu mẫu càng tự hào và họ sẽ điều chỉnh các hành vi ứng xử văn minh với đô thị, làm tốt bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.