.
KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN HIỆN NAY ĐỐI VỚI DN NHỎ

Lỗ cũng bán

.

Trước sự tụt dốc không phanh của thị trường địa ốc trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) có quy mô nhỏ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang trong tình trạng thắc thỏm, lo âu. Nhiều DN đã không chịu nổi áp lực lãi suất vay của ngân hàng đành bung “hàng” bán với giá gốc hoặc chịu lỗ chút ít để chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác.

Trước sức ép lãi suất...

Các khu dân cư có vị trí đẹp, giá đất chỉ giảm từ 15 - 20% so với thời điểm “sốt” giá. TRONG ẢNH: Một góc khu dân cư Bắc Mỹ An.


Cách đây khoảng 5 tháng, khi thị trường BĐS tại Đà Nẵng đang trong thời điểm “sốt” giá, ở những khu dân cư mới, đâu đâu cũng thấy bóng dáng “cò đất” đi săn lùng. Đã có không ít người không biết nhiều về kinh doanh BĐS, nhưng có cách ăn nói và chút vốn sẵn có, bỗng chốc trở thành tỷ phú.

Giám đốc một Ngân hàng TMCP Chi nhánh Đà Nẵng cho hay, nguồn vốn kinh doanh BĐS của nhà đầu tư chủ yếu dựa vào vốn vay của ngân hàng, có DN đầu tư khoảng chục tỷ đồng kinh doanh BĐS, nhưng gần một nửa số tiền là nguồn vốn vay của ngân hàng. Khi thị trường BĐS tại Đà Nẵng lên giá đến đỉnh điểm, nhiều DN đã kịp thời bán hết hàng để thu hồi vốn và đầu tư các dự án tiếp theo. Tuy nhiên, cũng có không ít DN chưa kịp bung “hàng” ra, giá đất đã hạ, đẩy DN vào tình trạng khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty Tư vấn Du học và Địa ốc Hồng Bàng cho biết: “Cuối năm 2007, khi BĐS ở Đà Nẵng bắt đầu “sốt” giá thì nhiều DN nhỏ kinh doanh BĐS đã đổ xô vào lĩnh vực này. Nhiều DN đã dốc sức huy động vốn từ nhiều nguồn (trong đó có vốn vay của ngân hàng) để kinh doanh địa ốc, đến khi giá nhà đất tụt giảm, “hàng” chưa kịp bung ra hết đã đẩy DN rơi vào cảnh áp lực trước lãi suất của ngân hàng, và có khả năng sẽ phải chịu mức lãi suất mới, khi kỳ hạn vay vốn sắp hết hạn”.

Theo nhận định của giới chuyên môn, nguyên nhân khiến thị trường BĐS giảm mạnh trong thời gian qua là do chính sách tiền tệ của Nhà nước đối với việc cho vay kinh doanh BĐS, cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán sa sút… Nếu như trong giai đoạn trước, người có nhu cầu về nhà ở thực sự phải… “oằn lưng” ra để mua thì ở giai đoạn này, người có nhu cầu về nhà ở lại ngồi chờ… và nghe ngóng.

Có nên mua đất vào thời điểm này?

Ghi nhận của chúng tôi tại một số trung tâm mua bán nhà đất trên địa bàn thành phố, đến thời điểm này, giá đất được rao bán đã giảm từ 20-40% so với thời điểm “sốt” giá. Tuy giá đất đã giảm mạnh, nhưng lượng khách đến giao dịch tại các Trung tâm BĐS vẫn vắng bóng.
 
Đã có không ít DN kinh doanh BĐS cho rằng: “Nếu người dân thực sự có nhu cầu về nhà ở thì nên mua nhà đất trong thời điểm này, vì giá vật liệu xây dựng đã lên đến đỉnh và chính sách của Nhà nước về kìm giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng đã bắt đầu có hiệu quả. Mặt khác, BĐS sẽ khó có thể giảm hơn nữa. Nếu như các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư thứ cấp và các nhà đầu cơ BĐS đã chấp nhận ghim “hàng”  thì khó có thể nhả “hàng” ra với giá không có lời”.

Giá BĐS trong thời gian qua liên tục giảm đã và đang làm cho không ít DN vừa và nhỏ thực sự gặp khó khăn trong việc đầu tư kế tiếp. Các DN này bắt đầu tăng tốc giảm giá đối với những khu đất khó bán, và sẽ không chịu lỗ với các vị trí khu đất đẹp mà họ đã có trong tay, họ sẽ bán bằng giá hoặc lãi ít. Lo ngại lớn nhất đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ là khi thị trường BĐS “đóng băng”, việc không tìm được vốn để tiếp tục đầu tư mới thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Đã có không ít DN kinh doanh BĐS ở Đà Nẵng đang tìm giải pháp vượt qua thách thức bằng cách… lỗ cũng bán.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.