Năng suất lúa trên các cánh đồng miền Trung hiện nay trung bình 350kg/sào, tức 7 tấn/ha. Tính ra, với giá thóc 6 - 7 ngàn đồng/ký như lúc cao điểm hiện nay thì mỗi héc-ta đem về 42 triệu đồng, mỗi sào 2,1 triệu đồng/mùa 3 tháng.
Trước đây, tức trước Tết Mậu Tý vừa rồi, khi giá thóc ở mức 2.800 đến 3.000 đồng/kg thì tính ra, sau khi trừ chi phí (giống, nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi...), mỗi sào, theo anh Nguyễn Hàn Giang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, chỉ đem lãi 100.000 đồng mỗi mùa 3 tháng! Chính vì lý do trồng lúa không có lãi nên hầu hết thanh niên trai tráng ở nông thôn đều ly hương, đổ vào các thành phố để kiếm sống. Chí ít mỗi tháng họ để dành được 500.000 đồng thì cũng hơn trồng lúa rất nhiều.
Lâu nay, Nam Bộ mới sản xuất lúa hàng hóa do sở hữu những cánh đồng cò bay thẳng cánh, miền Trung là những cánh đồng nhỏ lẻ, lúc chưa chuyển sang kinh tế thị trường, có địa phương như Điện Bàn, tính ra bình quân mỗi đầu người chỉ được 300 mét vuông đất ruộng. Miền Trung hoàn toàn không có sản xuất lúa hàng hóa, tất thảy chỉ trồng vừa đủ ăn, phần lớn các cánh đồng đang bị thu hẹp để làm nhà ở, khu công nghiệp, lấy đất làm gạch một cách không hề tiếc rẻ.
Nay, đứng trước cơn sốt lúa gạo, như nhận định “đã qua thời lương thực giá rẻ” của tổ chức lương thực thế giới FAO, vấn đề sản xuất lúa hàng hóa ở miền Trung đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại và đánh giá đúng mức.
Thực tế giá lúa lên nhưng chi phí cũng lên không kém. Nếu trước đây mỗi sào Trung Bộ (500m2) đem về trên dưới 1 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100.000 đồng/sào. Thì nay, với giá thóc 6.000 đồng/kg thì mỗi sào đem về 2,1 triệu đồng. Cho dù chi phí cũng tăng nhưng tính ra mỗi sào đã có thể lãi được 200.000 đến 500.000 đồng trên mỗi 3 tháng. Nhà có lao động, nhận 1 mẫu hoặc 1 ha có thể thu lãi 2 - 5 triệu đồng/mẫu.
Đây là con số thu nhập chưa phải là cao nhưng xét trên bình diện chi phí phải bỏ ra so với thu nhập công nhân, công nghiệp thì cũng đã đủ để giữ chân lực lượng thanh niên ở lại với ruộng đồng.
Thanh niên ở lại với ruộng đồng! Đây là vấn đề an ninh lương thực. Người ta có dầu thì mình có lúa gạo, người ta có
ti-vi, ô-tô thì mình có lúa gạo để trao đổi một cách sòng phẳng, công bằng chứ không phải rẻ rúng như trước nay. Đây là sự bảo tồn và kế thừa văn hóa khi mà lớp người lớn tuổi đang lo lắng khi thấy lớp thanh niên xa lạ dần với các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Đây còn là chuyện vấn nạn xã hội ở đô thị cũng có thể được giải quyết. Khi giá gạo lên, ở các thành phố, người đi nhặt rác, nhặt
ni-lon, lon bia trước đây cũng chỉ đủ mua vài lon gạo mỗi ngày, chắc chắn họ sẽ khăn gói về lại với ruộng đồng. Và đó mới là ý nghĩa quan trọng nhất của một chính sách giá gạo bình đẳng với hàng công nghiệp.
Một bộ mặt nông thôn mới sẽ sánh được với các đô thị mới. Và đó mới là mục tiêu đáng để lao tới của các nhà làm chính sách trong cơ hội mới mở ra từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn thế giới này.
HỒ TRUNG TÚ