.
NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CHO DOANH NGHIỆP MIỀN TRUNG

Văn hóa tạo nên sự khác biệt cho doanh nghiệp

.

Sáng 21-5, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), CLB doanh nhân HVNCLC phối hợp với Sở Công thương Đà Nẵng và báo Saigon Tiếp thị tổ chức buổi tọa đàm bàn giải pháp giải quyết khó khăn cho DN miền Trung trong tình hình lạm phát. Gần 100 đại diện lãnh đạo các DN miền Trung và DN đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2008  tham dự tọa đàm.

Đối mặt cạnh tranh

Nâng cao yếu tố văn hóa DN là cơ sở để các DN Đà Nẵng tăng cường khả năng cạnh tranh hiện nay.

Nội dung chính được buổi tọa đàm đặt ra khá thiết thực, đó là làm sao để DN nâng cao sức cạnh tranh trong giai đoạn khủng hoảng, lạm phát kinh tế hiện nay. Ông Nguyễn Duy Thuận, chuyên gia tư vấn tiếp thị Trung tâm BSA khẳng định, nhìn theo nghĩa đơn thuần, những khó khăn nảy sinh hiện tại đang làm giảm cơ hội phát triển của các DN. Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, thì chính giai đoạn khủng hoảng này lại là dịp để mỗi DN chứng tỏ sức mạnh nội tại và khả năng vượt lên của mình.

Theo ông Thuận, bối cảnh này tương tự thời điểm Việt Nam sắp gia nhập WTO, DN nào cũng lo sợ về sự xâm nhập của hàng hóa ngoại. Khí thế về thông tin từ thị trường bên ngoài lúc đó tưởng chừng nuốt chửng tinh thần phấn đấu của họ. Song đến nay, tình hình vẫn rất suôn sẻ, các DN đều hiểu cách vượt qua khó khăn chính là chấp nhận đối mặt cạnh tranh. Thậm chí, nhiều DN còn chủ động đưa sản phẩm ra ngoài, đẩy thị phần cạnh tranh vào thị trường các nước, cụ thể là các chương trình quảng bá thương hiệu Việt đi các nước mà các DN đạt danh hiệu HVNCLC đang tham gia.

Với tinh thần đó, ông Thuận cho rằng, nỗi lo hiện tại của các DN về lãi suất ngân hàng, về tình hình khan hiếm vốn tín dụng, thiếu nhân lực giỏi, kém về sức mạnh thương hiệu... sẽ có thể hóa giải khi họ nâng cao năng lực cạnh tranh. Các yếu tố cấu thành sức mạnh cạnh tranh đã được phân tích rõ là phấn đấu có chi phí thấp hơn, có công nghệ và kỹ thuật vượt trội, tìm được bí quyết sản phẩm độc quyền và tạo được sự khác biệt hóa cao về quản trị doanh nghiệp. Trong đó các chuyên gia tư vấn chỉ dẫn các DN chú ý đến mức độ khác biệt hóa cao ở khâu quản trị.

Văn hóa tạo nên sự khác biệt

Nhận định trên nhận được sự tán đồng của nhiều DN. Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thương mại Tổng hợp Phước Tiến, lâu nay DN ông đã đạt được giá trị thương hiệu nhờ các bí quyết về sản phẩm độc quyền, các kỹ năng vượt trội về công nghệ, giảm tối đa chi phí. Nhưng cho đến lúc này, chính yếu tố khác biệt về quản trị DN mới là nền tảng để những yếu tố trên thực hiện suôn sẻ. Quan trọng là phải để sự khác biệt đó thể hiện trong mọi thành phần cấu tạo hoạt động DN, như năng suất lao động, tài chính, quản lý nhân sự, bảo vệ tài sản thương hiệu... Ông Tuấn cho rằng, nền tảng nổi bật ở đây chính là vấn đề xây dựng văn hóa DN, yếu tố đang được xem là sức mạnh mới về cạnh tranh hiện tại.

Chia sẻ điều này, bên lề buổi tọa đàm, các DN Đà Nẵng như Vinatex, Hòa Thọ Corp., Dệt may 29-3... cũng thừa nhận, lịch sử phát triển nhiều năm qua của họ luôn gắn với nền tảng văn hóa DN, các nguyên tắc tự ứng xử với người lao động và khách hàng, từ đó tạo được độ bền vững thương hiệu. Văn hóa DN sẽ không chỉ tạo sự trung thành, niềm tin của người lao động mà trong bối cảnh hiện nay còn tạo được niềm tin của khách hàng, giữ vững các quan hệ truyền thống.

Đại diện Công ty Hòa Thọ Corp cho rằng, lý do để vừa qua đơn vị này tăng được giá trong các hợp đồng ký kết xuất khẩu, là kêu gọi được sự thông cảm, chia sẻ từ các đối tác làm ăn nước ngoài. Nếu không được bảo đảm niềm tin nhờ thái độ ứng xử văn hóa lâu nay, DN không chắc sẽ làm tốt điều đó.

Một DN có nét văn hóa riêng, đó chính là sự khác biệt lớn để phát triển. Nếu cộng đồng các DN miền Trung cùng xây dựng nên khác biệt ấy, ưu thế cạnh tranh sẽ lớn lên theo. Đó chính là đúc kết quan trọng mà các chuyên gia tư vấn gửi đến các DN cùng tham dự tọa đàm.

ĐỨC SƠN

;
.
.
.
.
.