.

Ngân hàng với cuộc đua “gửi tiền trúng siêu thưởng”

.

Mặc dù đã công bố nâng mức lãi suất trần huy động vốn lên nhiều so với trước đây, nhưng tình hình huy động vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đứng trước khó khăn, khi lượng tiền đồng vẫn thiếu hụt trầm trọng. Trong lúc thời hạn giải ngân ngày một đang đến gần, các NHTM đã tung ra chiêu khuyến mãi cực “hot” nhằm hút vốn còn nhàn rỗi trong dân. 

Pa-nô quảng cáo “cơn lốc quà tặng” của Sacombank chiếm một diện tích khá lớn ở phòng giao dịch trên đường Nguyễn Văn Linh.


Trước đây, ngoài việc gửi tiền hưởng lãi suất theo quy định, người gửi còn được tặng thêm vàng SJC theo số tiền gửi, tặng thêm lãi suất cộng, tặng quà... Song, chừng đó vẫn chưa đủ sức “hút” người gửi tiền. Nay để kéo luồng tiền gửi tiết kiệm về mình, các ngân hàng tung chiêu mới, có sức hấp dẫn hơn như Techcombank đưa ra chiêu gửi 10 triệu trúng 1 tỷ đồng với chương trình “Siêu may mắn”; ABBANK với chương trình “Gửi tiết kiệm trúng tiền tỷ” gửi 1 triệu trúng một tỷ;  Sacombank với chương trình “Cơn lốc quà tặng” với giải đặc biệt trúng xe BMW; VPBank với chương trình “Quà tặng vàng” với giá trị giải thưởng cao nhất là 2 ký vàng SJC; Vietin Bank với chương trình “Sinh nhật vàng càng trúng lớn”...

Hệ quả của các chiêu khuyến mãi này là thị trường đã có sự biến động về nguồn vốn gửi tiết kiệm, khi người gửi rút tiền từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác có giá trị giải thưởng cao hơn, hấp dẫn hơn. Chị Thuật Khánh, một khách hàng cho biết: “Tôi vừa rút tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng về để gửi vào Ngân hàng Techcombank với hy vọng sẽ trúng 1 tỷ đồng, mặc dù phải chịu mất lãi suất tiền gửi ở ngân hàng trước đó do phải rút trước thời hạn”. Cùng chung suy nghĩ đó, chị Thu Nguyệt có cách tính toán khác hơn, với số tiền tiết kiệm 50 triệu đồng đã gửi ở một NHTM cổ phần, chị rút về và chia làm 5 phần để gửi vào ABBANK, Techcombank, Sacombank..., với hy vọng càng gửi nhiều, cơ hội trúng thưởng càng cao.
 
Chị cho biết thêm: “Ngoài các giải thưởng, thì mức lãi suất ở các ngân hàng xấp xỉ nhau nên việc gửi đâu cũng vậy, nhưng gửi ở nơi có khuyến mãi thì có thêm hy vọng”.  Lãnh đạo một ngân hàng có khuyến mãi cho biết: “Sau khi đưa chương trình khuyến mãi vào áp dụng, quỹ tiền gửi ở ngân hàng tăng lên trông thấy, lượng tiền huy động được khá lớn”.

Tuy nhiên, điều mà chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay là tỷ lệ trúng thưởng của người gửi tiết kiệm không cao, nhất là ở thị trường Đà Nẵng, chưa thấy ai trúng được giải thưởng cao như xe BMW hay vàng ký, chỉ có vài ba giải khuyến khích, giải ba, tư được trao? Đem điều này trao đổi với vị lãnh đạo ngân hàng trên thì chúng tôi được biết, hầu hết cơ chế xác định giải thưởng ở các chương trình khuyến mãi đều được xác định bằng việc bốc thăm ngẫu nhiên, có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng, nên việc trúng hay không trúng là do may mắn.

Tuy nhiên, chương trình khuyến mãi là áp dụng trên cả nước, và chỉ có một người trúng giải cao nhất, trong khi đó nếu so sánh tỷ lệ người gửi tiền tiết kiệm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với hai thành phố lớn khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì tỷ lệ người trúng thưởng ở thành phố Đà Nẵng rất nhỏ, thậm chí nhỏ hơn cả Hải Phòng, Bình Dương. Vì vậy, về mặt toán học, khả năng trúng thưởng ở đây vẫn thấp hơn nơi khác, nói vậy nhưng không phải là không trúng được giải cao, vì đây là chương trình bốc thăm ngẫu nhiên, ai may mắn người đó trúng thưởng.    

Về nguyên tắc cạnh tranh trên thị trường, các ngân hàng phải bảo đảm sự hấp dẫn hơn về lợi ích đối với khách hàng của họ và việc các ngân hàng cạnh tranh bằng cách tạo ra các sản phẩm khuyến mãi là điều hiển nhiên trong thời buổi kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này phải có sự quản lý của các cơ quan chức năng để bảo đảm sự công bằng, tính hợp pháp cho khách hàng gửi tiền.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.