.
Ngày đầu tiên áp dụng cơ chế lãi suất mới:

Ngân hàng nâng lãi suất, doanh nghiệp đắn đo

.

Bắt đầu từ sáng 19-5-2008, các ngân hàng đã đồng loạt công bố biểu giá lãi suất mới theo cơ chế xóa bỏ trần lãi suất huy động mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành. Đây là một sự "cởi trói" cho ngành ngân hàng nhưng đồng thời cũng là nỗi lo âu mới đối với  các DN sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng nâng lãi suất

Ngược chiều với niềm vui của các ngân hàng là nỗi lo của những DN  trước cơ chế lãi suất mới.

Theo phân tích của các ngân hàng, 2 điểm chính thực hiện trong cơ chế mới này đang tạo điều kiện hoạt động tốt hơn cho họ. Thứ nhất là Chính phủ và NHNN đã điều hành thị trường đúng các quy định trong Luật Dân sự và Luật Ngân hàng. Ở các Luật này, lãi suất cho vay hoặc huy động của các ngân hàng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Lâu nay lãi suất cơ bản được NHNN quy định không quá 8%/năm đã làm khó các ngân hàng, và thực tế chỉ còn để tham khảo khi thị trường tiền tệ luôn vận động theo hướng vượt khung 12%/năm. Bây giờ, với cơ chế mới bỏ trần lãi suất huy động, xem như giúp các ngân hàng “rộng nước cờ”. Do vậy, không có gì lạ khi chỉ trong buổi sáng 19-5, ngày đầu tiên áp dụng cơ chế điều hành lãi suất mới, tất cả các ngân hàng đã đồng loạt nâng lãi suất huy động, bình quân với các mức lãi dài hạn xấp xỉ 14%/năm.

Thứ hai, với lãi suất cơ bản được hạn định còn 12%/năm, khung trần để thực hiện các lãi suất cho vay không vượt quá 18%/năm, sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các ngân hàng và DN. Ông Nguyễn An, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Á tại Đà Nẵng, nhận xét, bây giờ đã đến lúc người ta nhìn vào biểu lãi suất huy động để biết được sức khỏe các ngân hàng. Đơn vị nào làm ăn tốt, hiệu quả, sẽ có tính toán không thể vượt lãi suất huy động quá 14 – 15%/năm, cân đối với mức trần cho vay.

Tương tự thế, thay vì lãi suất cho vay không quá 12%/năm, các mức lãi suất cho vay cao đến 18%/năm sẽ buộc các DN phải cân nhắc lại từng dự án làm ăn. Ông An nói: “Với mục tiêu chống lạm phát, ngân hàng xiết chặt tiền tệ, nghĩa là phải chấp nhận giảm tăng trưởng. Lãi suất cao sẽ chấm dứt tình trạng DN chọn lãi suất, thay vào đó là lãi suất chọn dự án. Nhà nước khỏi kêu gọi hạn chế các dự án kém hiệu quả, vì bản thân lãi suất cao sẽ quyết định điều đó. Thay vì 10 dự án đầu tư cùng làng nhàng, bây giờ sẽ chỉ có những dự án hiệu quả, tích cực mới mạnh dạn triển khai”.

Chính trên tinh thần này, các ngân hàng đang cùng biểu lộ, họ có niềm tin sẽ chấm dứt được tình trạng thực âm trên chỉ số lãi suất cho vay lâu nay. Hơn nữa, trong bối cảnh khan tiền mặt, việc nâng lãi suất huy động là khả năng giảm các dự án kém hiệu quả sẽ tạo điều kiện thanh khoản thuận lợi hơn cho các ngân hàng. Đại diện ngân hàng Techcombank nhận xét, lãi suất cao sẽ giúp ngân hàng chọn được đúng các dự án đầu tư tốt, và không phải áy náy sẻ chia tiền mặt huy động được cho nhiều dự án nữa.

Doanh nghiệp đắn đo

Tuy nhiên, ngay cạnh niềm vui thuận lợi từ cơ chế lãi suất mới ở các ngân hàng, đa số DN Đà Nẵng đã bày tỏ sự lo ngại. Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Thương mại và Thủy sản Thuận Phước, cho biết lâu nay tỷ lệ trượt giá lạm phát cao, đã khiến đầu vào cho các dự án sản xuất kinh doanh tăng lên, với mức lãi suất vay 15 – 16%/năm đã căng thẳng. Với lãi suất mới, sẽ có rất nhiều DN điêu đứng vì không tìm được lợi nhuận trong các đơn hàng.

Để cân đối được điều này, tức không biến lãi suất thành gánh nặng bó tay DN, theo một số DN, các ngân hàng cần sớm xem xét lại 2 vấn đề. Thứ nhất là sự linh hoạt về đồng vốn trong hệ thống. Không thể để kéo dài mãi cảnh các DN vẫn còn dư nợ vay tín dụng mà lại bị “khóa sổ” khi các ngân hàng công bố vượt 30% vốn đầu tư phát triển. Các ngân hàng nên có tính cân đối vốn tín dụng phát triển ở từng khu vực phù hợp để xử lý vấn đề này.

Thứ hai, mức tính tổng dư nợ phát triển cho vay ở nhiều ngân hàng quá eo hẹp, thường lấy mốc cuối năm, lúc DN ít vay nhất vì hết đơn hàng. Như hiện tại, nhiều DN xuất khẩu đang vào vụ hè thu, lượng tài chính cần huy động dự báo tăng vọt. Song, do các ngân hàng chỉ đặt họ vào ngang mức tài chính của tháng 12 nên họ sẽ chỉ vay được rất ít. Nếu không xem xét lại thực lực DN để có sự điều hòa tỷ lệ vốn vay, ngân hàng sẽ có thể làm khó cho ngay các dự án làm ăn phát triển nghiêm túc, nhất là khi ngưỡng lãi suất 18%/năm đã đặt ngay trên bàn kế toán DN từ hôm nay, 19-5.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.