.

Những chiếc cầu xuống cấp

.

Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thành phố Đà Nẵng có 3 chiếc cầu lớn, thì cả ba đều trong tình trạng rệu rã và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, thế nhưng chưa thấy cơ quan chủ quản có động tĩnh gì nhằm hạn chế nguy cơ này trong khi chưa có cầu mới thay thế.

Mỗi khi có xe tải chạy qua, cầu Quá giáng lại rung lên.
Nhìn bên ngoài có thể nói là cầu Quá Giáng còn “mới” so với cầu Đỏ và cầu Nam Ô. Thế nhưng chỉ ít phút đứng trên cầu, sẽ cảm nhận được nguy cơ sụp đổ của chiếc cầu già nua này. Chỉ cần một chiếc xe tải chạy qua, cả chiếc cầu đã rung lên rất rõ. Nằm trên tuyến quốc lộ 1A, vốn có mật độ xe tải nặng lưu thông rất nhiều, nên chiếc cầu phải “gồng” mình chịu những đợt rung lên như vậy hằng ngày.

Điều đáng ngạc nhiên là tại đây chẳng có biển báo về tình trạng của chiếc cầu như tải trọng, tốc độ… Chỉ duy nhất một bên đầu cầu có biển ghi “đi chậm”, nhưng tấm biển này đã tồn tại quá lâu rồi, lại không được sơn sửa nên gần như mất tác dụng. Đã vậy, do mặt cầu khá cao so với nền đường nên tạo con dốc khi lên cầu. Để có đà chạy khi qua cầu, hầu hết các loại xe phải tăng tốc, khá nguy hiểm.

Nằm cách cầu Quá Giáng khoảng 1,5 km về phía bắc là cầu Đỏ, cũng đang trong tình trạng báo động tương tự, thậm chí còn đáng lo ngại hơn khi mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt dài 4-5 mét. Nhiều đoạn mặt cầu bị võng xuống khoảng 4-5 phân, kèm theo đó là nhiều vết nứt ngang dọc. Ngoài việc phải chịu tải rất nhiều loại xe chạy qua, hằng ngày cầu Đỏ còn phải “oằn lưng gánh” hàng trăm chuyến xe chở cát từ dưới chân cầu đi lên tỏa về các công trình xây dựng lớn nhỏ trong thành phố.

Những vết nứt lớn trên mặt cầu Nam Ô được vá víu tạm thời.

Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn cả là cầu Nam Ô - cửa ngõ phía Bắc rất quan trọng của thành phố khi mỗi ngày phải “hứng chịu” cả chục ngàn lượt xe chạy qua đây. Mặt cầu hiện nay gần như đã bị thay đổi hoàn toàn do xuất hiện nhiều vết lún và nứt. Có thời điểm, những vết nứt rộng gần một mét vuông, bê-tông rớt hết, lộ ra cả sắt thép bên trong. Mỗi lần như thế, đơn vị chủ quản lại vá đắp tạm bợ bằng nhựa đường, những đoạn nứt lớn thì gia cố thêm một số sắt. Tất cả những việc làm này không đủ sức níu kéo sự xuống cấp quá nhanh của chiếc cầu. Cũng giống như cầu Quá Giáng, ngay đầu cầu có biển yêu cầu “tốc độ 20km/h”, nhưng gần như xe qua đây đều chạy rất nhanh, thậm chí trên mặt cầu còn diễn ra cảnh xe khách Bắc-Nam chen nhau vượt qua, rất nguy hiểm cho người đi đường.

Dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Hòa Cầm-Hòa Phước đang triển khai, vì vậy cầu Quá Giáng và cầu Đỏ sẽ được tháo dỡ để thay thế bằng những chiếc cầu mới vững chắc hơn. Tuy vậy, từ nay đến ngày hai chiếc cầu mới được đưa vào sử dụng, các đơn vị chức năng cần có những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn gian thông. Riêng với cầu Nam Ô, trong thời gian chưa xây cầu mới hoặc sửa chữa lớn, cần tiến hành gia cố từ chân cầu đến mặt cầu. Bên cạnh đó, cần bố trí lực lượng CSGT chốt chặn để điều tiết lượng xe, tốc độ và nhất là trọng tải của mỗi xe khi qua cầu. Nếu để mọi việc diễn ra “tự nhiên” như hiện nay, khó có thể bảo đảm được an toàn giao thông cho cả ba chiếc cầu này.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.