Đó là những đoạn đường nằm ngay trung tâm thành phố, ít ra cũng ở những khu dân cư đông đúc. Thế nhưng không hiểu vì sao những đoạn đường này bị cơ quan chức năng... bỏ quên, khiến cho người dân sống ở đấy gặp rất nhiều phiền toái.
Đường Trần Hưng Đạo vẫn còn một đoạn ngắn chưa làm nên lưu thông rất khó khăn. |
Bàu Thạc Gián một thời được xem là điểm ô nhiễm nặng nề nhất của thành phố, bởi đây là chiếc túi chứa chất bẩn lẫn đủ mọi thứ rác thải. Chỉ sau một trận mưa nhỏ là cả khu vực dân cư bị ngập trong nước bẩn. Bây giờ bàu Thạc Gián đã được thay đổi gần như hoàn toàn khi giữa bàu sình lầy ngày xưa giờ là đường Hàm Nghi rộng lớn chạy băng qua, cùng những con đường nhỏ chạy quanh bàu được làm mới và nâng cấp đã cải thiện rất nhiều cuộc sống của bà con chung quanh khu vực này.
Vậy mà còn một đoạn đường nhỏ nằm phía đông của bàu vẫn trong tình trạng ô nhiễm và lộn xộn như ngày xưa. Đó là ngay đầu đường Đỗ Quang, nếu đi tiếp theo bờ bàu là con đường đất không tên gồ ghề và quanh co. Người dân ở đây tự đánh số nhà và “đặt” tên đường chạy trước nhà mình. Vì thế mới có chuyện lạ là cùng một đoạn đường nhưng lại có một số nhà đánh số là “1A-Đỗ Quang”, có nhà lại đánh số là “ngã ba Đỗ Quang-Văn Cao”, một số khác lại ghi trước cổng nhà là đường Hàm Nghi...
Một đoạn nữa bị bỏ quên khá điển hình là đoạn đường ngắn khoảng 500 mét từ chân cầu Nguyễn Văn Trỗi nối với đường Trần Hưng Đạo trên địa bàn quận Sơn Trà. Đường Trần Hưng Đạo đã đưa vào sử dụng hơn 5 năm nay, thế nhưng không hiểu vì sao đoạn đường ngắn này vẫn là đường đất gập ghềnh, đầy ổ voi, ổ trâu. Đây là cung đoạn đường có mật độ xe tải lưu thông rất lớn để vận chuyển đất cát từ bên kia cầu Trần Thị Lý qua khu vực đường Trần Hưng Đạo nên cứ mỗi năm, đoạn đường này lại xuống cấp thêm, rất nguy hiểm. Đã vậy, việc đánh số nhà hay tên đường cũng lung tung như con đường đất ở bàu Thạc Gián. Trong khi trên tấm bảng trước cổng Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng ghi tên đường là Trần Hưng Đạo, thì phía đối diện là Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực III ghi địa chỉ là “lô C1 Bạch Đằng Đông”.
Được xem là con đường bị bỏ quên tiêu biểu nhất là đoạn đường nối giữa đường Lương Thế Vinh và đường Nguyễn Duy Hiệu. Đoạn đường này dài khoảng 2 km, chỗ hẹp nhất trên 7 mét và chỗ rộng nhất trên 12 mét. Đây là đoạn đường có dân cư khá đông đúc. Đặc biệt, trên đoạn đường này có đến 3 trường học lớn là Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Trường THPT bán công Ngô Quyền, Trường tiểu học Ngô Gia Tự và một doanh trại quân đội. Vậy mà theo những người dân sống nơi đây thì từ trước ngày giải phóng đến nay, con đường này vẫn y như vậy, vẫn là con đường đất nắng bụi mưa bùn. Có khác chăng là một số đoạn ngắn được đổ đá cấp phối lởm chởm rất khó đi, nên người đi đường chỉ đi sát hai bên mép đường. Vào lúc học sinh tan học, con đường bị co thắt lại.
Cũng là đoạn đường “vô danh” nên việc đánh số nhà mặc dù được thành phố gắn biển nhưng vẫn không tránh khỏi sự lộn xộn. Đường này mang tên Lê Hữu Trác, thế nhưng những nhà dân ở gần đường Nguyễn Duy Hiệu thì được đánh số 32/... Lê Hữu Trác, và ở một đoạn khác được đánh số 23/... Lê Hữu Trác.
Trong 10 năm trở lại đây, thành phố đã dành rất nhiều công sức để chỉnh trang đô thị. Nhờ vậy, có rất nhiều con đường được nâng cấp, được làm mới, góp phần thay đổi diện mạo thành phố. Tuy nhiên, không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại “bỏ sót” khá nhiều con đường như vậy. Mong rằng trong thời gian tới, những con đường nêu trên được nâng cấp, giảm khó khăn trong giao thông nội thị cho người dân.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN