.
Sốt giá phân bón

Nông dân gặp khó

.

Mấy tháng nay, giá các loại phân bón tăng “chóng mặt”. Trong khi giá nông sản tăng chậm thì giá phân bón nhảy vọt gấp 2-3 lần so vụ đông xuân trước, đẩy sản xuất của nông dân vốn đã khó khăn càng khốn khó hơn.

Vườn dưa leo ở phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) được đầu tư đầy dủ về phân bón, đạt năng suất cao.

Trên cánh đồng rau Đa Mặn, phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn) tươi xanh vẫn có nhiều người sản xuất như mọi ngày. Tuy vậy, niềm vui của người trồng rau đã giảm đi ít nhiều khi giá các loại phân bón tăng cao mà giá rau chỉ nhích lên chút ít. Chị Huỳnh Thị Đài, ở tổ 14 Khuê Mỹ cho hay: Năm ngoái vào thời điểm này, giá phân NPK chỉ 7 nghìn đồng/kg, thế mà nay vọt tới 15 nghìn đồng/kg, phân vi sinh từ 10 nghìn đồng bao 10kg cũng tăng lên 18 nghìn đồng. Trong khi giá rau cải cứ trồi sụt, lúc 4 nghìn, lúc chỉ còn 3 nghìn đồng/kg, bằng giá năm ngoái. Anh Nguyễn Quốc Hùng, trú An Thượng phường Mỹ An, người sản xuất 3 sào rau, hạch toán: Giá phân bón tăng, bà con trồng rau thu nhập thấp hơn trước 1,5 triệu đồng/sào.

Tôi canh tác 3 sào, so năm ngoái mất đứt 4,5 triệu đồng. Điều đáng lo ngại hơn là giá tăng chưa có điểm dừng. Nay ka-li đã ngấp nghé 12 nghìn đồng/kg, nông dân hết chịu nổi. Tình trạng này nếu không có giải pháp bình ổn giá, e người trồng rau cũng bỏ ruộng.Phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) canh tác 350 ha lúa. HTX Dịch vụ tổng hợp sản xuất nông nghiệp cung ứng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Các cán bộ HTX cho hay: gần như loại nào cũng tăng giá 2-3 lần so vụ đông xuân trước.

Cụ thể như NPK Philip từ 4.500 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg, phân tổng hợp DAP từ 5.480 đồng/kg tăng lên 22.000 đồng/kg, đạm Phú Mỹ cũng tăng từ 4.330 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg,  ka-li cũng đã ở mức 11.500 đồng/kg, tăng 7.700 đồng/kg so với năm ngoái... Ông Đặng Chi, Chủ nhiệm HTX cho rằng: Tuy nông dân có gạo đủ ăn nhưng đầu vào sản xuất tăng, dẫn tới mất cân đối về chi tiêu. Đại bộ phận nông dân rất khó khăn trước cơn sốt tăng giá phân bón.

Chăn nuôi ở Đà Nẵng đã giảm đến mức thấp nhất kể từ trước tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc khai thác nguồn phân chuồng cho đồng ruộng giảm đi rất nhiều. Canh tác của nông dân chủ yếu sử dụng các loại phân vô cơ và hữu cơ đã qua chế biến. Vụ đông xuân vừa qua, trên địa bàn thành phố ít nhất có 350 ha lúa bị vàng lá do thiếu dinh dưỡng vì giá phân bón tăng, nông dân không đủ tiền đầu tư. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới năng suất lúa, màu giảm so các năm trước.
 
Ai chia sẻ với nông dân trước những khó khăn dồn dập mà họ phải gánh chịu? Chính phủ vừa có chủ trương không xuất khẩu phân bón nhằm bình ổn giá cả phân bón trong nước, liệu giải pháp này có giúp hạ nhiệt phân bón trước nhu cầu rất lớn hiện nay? Ngoài các chính sách như đẩy mạnh sản xuất phân bón trong nước, không xuất khẩu, tăng lượng nhập khẩu, Nhà nước cũng cần khống chế giá cả các loại phân bón thiết yếu, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tùy tiện tăng giá, gây bất ổn đối với sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.