.

Tác động của việc dỡ bỏ trần lãi suất

.

>> Ngân hàng nâng lãi suất, doanh nghiệp đắn đo
>> Lạm bàn về lãi suất

Hiệu quả tức thời của việc dỡ bỏ trần lãi suất 12% chính là tạo ra biên độ khá lớn để các ngân hàng thương mại chủ động định đoạt lãi suất huy động vốn theo tín hiệu thị trường.

Chỉ trong vòng một ngày sau khi ban hành quyết định, thị trường trở nên sôi động hơn mọi khi, khối lượng nguồn vốn có xu hướng tăng thêm, cho dù giá vốn sẽ cao hơn, nhưng trước mắt sẽ góp phần tháo gỡ áp lực khó khăn về thanh khoản cho nhiều ngân hàng, về lâu dài sẽ tạo cơ hội mở rộng nguồn vốn ổn định hơn để đáp ứng các nhu cầu bức xúc của nền kinh tế.

Việc dỡ bỏ trần lãi suất tạo ra biên độ khá lớn để các ngân hàng thương mại chủ động định đoạt lãi suất huy động vốn theo tín hiệu thị trường.

Thực tế cho thấy, do bị dồn nén bởi trần lãi suất, thời gian qua, một số ngân hàng đã phải cứu vãn tình hình bằng một số biện pháp tình thế với những biến thể chưa từng thấy, thậm chí vượt ra ngoài thông lệ như nâng lãi suất không kỳ hạn qua đêm lên đến 10-11%/năm, trong khi bình quân trước đây chỉ khoảng 3-4%/năm...

Việc quy định “neo” lãi suất cho vay ở mức tối đa không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố buộc các ngân hàng không những phải co cụm mở rộng tín dụng mà cần cân nhắc lại các quyết định cho vay trong thời gian đến sao cho hiệu quả, mức độ rủi ro thấp, và thời gian thu hồi vốn nhanh. Điều này đồng nghĩa với dụng ý sẽ tác động đến việc giảm thấp tốc độ tăng trưởng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đúng với chủ trương của Ngân hàng Trung ương trong mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Các doanh nghiệp một mặt tránh được sự lo âu nhất thời về sự gia tăng lãi suất cho vay quá mức, nhưng mặt khác cơ hội tiếp cận vốn trở nên không dễ dàng hơn nếu không chứng minh được thực lực tài chính và uy tín với ngân hàng cho vay. Khó khăn này đến lượt nó lại tạo ra một bộ lọc tự nhiên cho nền kinh tế trong việc đánh giá lựa chọn các cơ hội đầu tư, kết hợp với khai thông những nguồn vốn khác mà trong đó nguồn cung ứng từ hệ thống ngân hàng sẽ không còn là chỗ dựa chủ yếu.

Bằng quyết định dỡ bỏ trần lãi suất và đưa lãi suất cơ bản sau một thời gian dài gần như bị “quên lãng” trở về vị trí trung tâm của thị trường vốn, đã phản ánh quan điểm và cách tiếp cận mới có tính thực tế hơn của Ngân hàng Trung ương hơn trong việc sử dụng công cụ lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, quyền định đoạt lãi suất thị trường hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự nhạy cảm của mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Trung ương công bố hơn là xuất phát từ quan hệ cung cầu vốn của hệ thống ngân hàng thương mại.

Ở các nước, lãi suất cơ bản thường được hình thành từ lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân do nhóm các ngân hàng tốt nhất áp dụng đối với nhóm khách hàng tốt nhất của họ. Chính vì vậy, tâm lý kỳ vọng vào lãi suất cơ bản trong mối tương quan với tỷ lệ lạm phát thực tế là điều cần đặc biệt quan tâm nếu muốn lãi suất cơ bản thực sự có sức sống lâu dài.

Trần lãi suất đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó trong việc vãn hồi trật tự thị trường vốn trong bối cảnh hỗn loạn trước đây. Hiện nay, cũng cần chấp nhận một thực tế quá độ là chưa thể có ngay một cơ chế lãi suất thị trường hoàn hảo, ở đó không có “trần” cũng không có “neo”, và lãi suất cơ bản chỉ đóng vai trò định hướng thị trường là chủ yếu. Một số ý kiến cho rằng, lãi suất hiện đang vận hành theo kiểu “đi lùi”, từ cơ chế thỏa thuận sang cơ chế “có kiểm soát” mang dấu ấn hành chính.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, những nhân tố bất ổn có tác dụng kích hoạt lạm phát vẫn đang ở mức tiềm ẩn rất nguy hiểm, thì việc “lùi một bước” để “tiến lên nhiều bước” chính là nghệ thuật vận dụng và lèo lái chính sách thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.