Từ ngày 1-1-2008, tất cả các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố tiến hành trả lương cho CBCC thông qua tài khoản. Đây là một việc làm tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội và phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.
Một trong những máy ATM tại trụ sở Ngân hàng Đầu tư Đà Nẵng thường xuyên có khách rút tiền. |
Về góc độ tiền tệ, đây còn là giải pháp đặc biệt quan trọng để nâng cao tuổi thọ của đồng tiền và góp phần vào việc chống lạm phát... Ngoài ra, nhờ việc trả lương qua tài khoản, những khoản tiền nhàn rỗi trong tài khoản của nhiều người sẽ là một nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển sản xuất, vừa có lợi cho xã hội, vừa có lợi cho người có tài khoản (có lãi).
Song qua 4 tháng, việc trả lương qua tài khoản tại thành phố Đà Nẵng cũng gây ra nhiều bức xúc cho người có tài khoản khi rút tiền và cho ngân hàng vào những thời điểm nhất định, nhất là vào dịp đầu tháng và các dịp lễ, Tết. Về phía ngân hàng, do việc đầu tư quá lớn để lắp đặt hệ thống máy rút tiền tự động (ATM), khoảng 500 triệu đồng/máy và các chi phí khác nên hệ thống máy trên địa bàn chưa nhiều, gây không ít khó khăn cho người sử dụng thẻ. Theo số liệu của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thành phố, trên địa bàn đã có 22 trong tổng số 44 chi nhánh ngân hàng có máy ATM, với 195 máy và 470.432 thẻ. Trong đó, các ngân hàng có nhiều cơ quan đăng ký mở tài khoản như Đông Á 38 máy và gần 200 nghìn thẻ, Ngân hàng Ngoại thương 24 máy và 9 nghìn thẻ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 26 máy, Ngân hàng Kỹ thương 18 máy... Các máy ATM này phân bố chủ yếu ở các quận nội thành như Hải Châu 119 máy, Thanh Khê 26 máy, Liên Chiểu 22 máy… Huyện Hòa Vang chưa có máy nào.
Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thành phố, số lượng máy ATM này có thể bảo đảm được việc thanh toán, trả lương cho cá nhân và khách vãng lai. Tuy nhiên, trong những thời điểm nhất định, ở những địa điểm cụ thể có thể xảy ra tình trạng quá tải đối với một số máy và gây nên một số sự cố. Dịch vụ chăm sóc khách hàng của một số ngân hàng chưa tốt (bảo dưỡng, bảo quản và cấp tiền cho máy chưa kịp thời…), thêm vào đó là hệ thống đường truyền nối các máy với hệ thống trên toàn quốc (phải thuê của các công ty viễn thông) hay xảy ra sự cố gây bất bình cho người sử dụng.
Song có một nguyên nhân quan trọng là từ phía các cơ quan trong việc bố trí thời gian trả tiền và rút tiền. Hầu hết các cơ quan trả lương vào một thời điểm trùng nhau, thường là từ ngày 5 đến ngày 10 hằng tháng. Vì vậy, CBCC đổ đến các máy để rút tiền đã làm cho máy hoạt động quá tải, dễ gây sự cố. Ngoài ra, do việc rút tiền đồng thời trong quãng thời gian ngắn nên việc chuẩn bị tiền mặt của các ngân hàng không kịp. Đã vậy, hầu hết CBCC thường rút hết số tiền có trong máy, nên ở góc độ nào đó làm mất đi ý nghĩa của việc sử dụng thẻ và làm cho mục tiêu của việc trả lương qua thẻ không được thực hiện. Nguyên nhân là do người sử dụng thẻ không nắm được, hoặc không sử dụng hết các tiện ích của thẻ. Chẳng hạn như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại và mua sắm cũng như cất giữ tiền tiết kiệm vào thẻ.
Hoặc do công tác quảng bá của các ngân hàng còn hạn chế nên nhiều người không nắm được các liên kết giữa ngân hàng này với các ngân hàng khác để chủ động rút tiền ở nhiều nơi. Đặc biệt, nhiều người không biết cách sử dụng nên đã thao tác sai, bị máy giữ thẻ, hoặc bị khấu trừ tài khoản nhưng không lấy được tiền (ngoại trừ trường hợp máy bị sự cố). Khi xảy ra sự cố, người có thẻ phải đến ngân hàng trình báo và ngân hàng cũng mất rất nhiều thời gian mới trả lại được tiền cho người sử dụng thẻ… Vì vậy, bản thân mỗi người sử dụng thẻ cần phải tìm hiểu các tiện ích của thẻ để sử dụng sao cho hiệu quả. Ngoài ra, rất cần sự hợp tác của các cơ quan trả lương, hạn chế sự cố quá tải của máy khi thời điểm nhận lương trùng nhau. Giải pháp mà Ngân hàng Đông Á đang áp dụng đối với một số DN là thỏa thuận với DN ứng lương cho công nhân với một tỷ lệ thích hợp để công nhân có thể rút tiền trước thời gian có lương, hoặc chia lương ra làm nhiều kỳ, đang tỏ ra có hiệu quả.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH