Dự án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 4 tỷ đồng, quy mô 87 ha, triển khai trong 3 năm (2003-2005), được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4113/QĐ-UB ngày 7-7-2003.
Ngày dự án triển khai, nhiều người kỳ vọng vành đai xanh ở Đà Nẵng sẽ hình thành, cung cấp nhiều rau chất lượng cao cho thị trường thành phố. Nhưng rồi, sự kỳ vọng đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực. 5 năm sau ngày dự án ra đời, việc sản xuất rau an toàn ở Đà Nẵng không có chuyển biến đáng kể nào cả chất và lượng, trong khi đã tiêu tốn gần 3 tỷ đồng vốn ngân sách và gần 1 tỷ đồng kinh phí các quận, huyện.
Người trồng rau vẫn phun thuốc bảo vệ thực vật như thường. |
Ông Đặng Phi Dũng, Phó Phòng Kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), người trực tiếp điều hành dự án cho hay: Sản xuất rau ở Đà Nẵng vô cùng khó. Ngành đã làm hết khả năng. Cơ sở hạ tầng các vùng rau đầu tư khá cơ bản, tổ chức tập huấn kỹ thuật chu đáo, hỗ trợ vật tư, giống kịp thời đầy đủ… nhưng rồi, người dân không mặn mà với cây rau, đành chịu. Hiện tại, chỉ có khoảng 50 ha đang sản xuất, trong đó không ít vùng rất thất thường. Các đơn vị hợp đồng tiêu thụ rau như Xí nghiệp NBS (Ngon-sạch-bổ), Công ty CP Minh Châu đã “cao chạy xa bay” sau khi thua lỗ khá nặng vì rau. Nói đúng hơn, dự án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với mục tiêu sản xuất nhiều rau sạch, xây dựng thương hiệu, đưa từ đồng ruộng đến thẳng siêu thị không đem lại hiệu quả như mong muốn. Tiếp nối dự án, 2-3 năm trở lại đây, mặc dù đầu tư cho lĩnh vực này không nhỏ, nhưng sản xuất rau xanh không khá hơn là mấy.
Hệ quả là, rau an toàn ở Đà Nẵng rất khan hiếm. Hơn 90% lượng rau đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ lấy từ địa phương khác về. Vùng ven thành phố không phải là vành đai xanh như mục tiêu đề ra. Ngoại trừ 17 ha ở Đa Mặn, phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn) sản xuất theo lối chuyên canh, 12 vùng rau còn lại quá khiêm tốn về diện tích và sản lượng. Nhiều cánh đồng ngập đầy cỏ chỉ là nơi chăn thả trâu, bò. Không chỉ mục tiêu xây dựng 87 ha rau chuyên canh đến cuối năm 2005 không đạt, việc sản xuất trên các vùng rau đã có mấy năm gần đây cũng èo uột, theo kiểu mùa nắng kêu khô, mùa mưa kêu ướt. Thậm chí một số vùng đầu tư rất cơ bản đã chuyển sang trồng các loại cây khác như bắp, sắn.
Thực trạng rau an toàn ở Đà Nẵng
Vùng rau an toàn quận Cẩm Lệ, nhiều khu vực bị hoang hóa. |
Trước hết phải khẳng định rằng: Khí hậu, thổ nhưỡng ở Đà Nẵng, trồng rau không khó mà còn cho năng suất cao. Minh chứng là đã từng có nhiều vùng rau chuyên canh nổi tiếng như An Thượng (Bắc Mỹ An), Bình An (Hòa Cường), Phước Mỹ… Hiện tại, vùng rau Đa Mặn ở Khuê Mỹ luôn đạt kỷ lục trên phạm vi cả nước về thu nhập: Hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Tại vùng rau này, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 600 tấn. Không ít hộ ăn nên làm ra nhờ sản xuất rau chuyên canh. Tuy vậy, ở Ngũ Hành Sơn mỗi vùng rau này có hiệu quả. Xuôi vào Hòa Hải, Hòa Quý, rau cũng có trồng nhưng không đáng kể. Thậm chí có vùng như đồng Sằm ở Hòa Quý, mấy năm nay, 6 - 7 bể nước chơ vơ giữa vùng cỏ giã, nơi được chọn sản xuất rau an toàn.
Vùng rau được đánh giá là “hoành tráng” nhất của huyện Hòa Vang là đồng Hồ Bún thuộc thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong. Tại đây, đất cát pha ven sông rất lý tưởng cho việc trồng rau. Tuy vậy, vùng dự án, rau lúc xanh tốt, lúc èo uột. Hiện tại, vùng này rau lang nhiều hơn cải, dền, mồng tơi, bầu bí. Việc trồng cấy ở đây rất manh mún, có khu vực cỏ nhiều hơn rau. Thậm chí có hộ như ông Đặng Công Dực, đưa cả cây thuốc lá trồng trên vùng đất được giao. Ông Đặng Vui, một trong những người tâm huyết với cây rau ở đây cho hay: Trồng được cây rau không đơn giản. Nói 5 ha sản xuất rau, nhưng thực chất chỉ 3 ha là nhiều, chủ yếu trồng rau lang. Hỏi về thu nhập, ông nhẩm tính: Mỗi sào thu 2 - 2,5 triệu đồng/năm…
Chị Nguyễn Thị Xuân, vợ Chủ nhiệm CLB rau an toàn Hòa Phong Trần Lượng cho rằng: Mỗi hộ một mảnh đất nhỏ, ai trồng gì tùy thích nên vùng rau không có gì ấn tượng. Đây là nguyên nhân rau dùng cho bữa ăn gia đình là chính, bán rất khó… Ở xã Hòa Phong còn có vùng rau ở thôn Bồ Bản và thôn An Tân, mỗi nơi chừng 1 ha, nhưng rau cũng èo uột, tức là đủ thứ và chẳng có loại nào chiếm ưu thế. Vùng rau Yến Nê, xã Hòa Tiến cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ông Phan Văn Nhiên, Chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 1 cho hay: Đầu tư nhiều, hô hào lắm mà có chuyển biến gì đâu. Nhiều khi đi qua vùng rau, nhìn thấy kết quả mà buồn.
Quận Cẩm Lệ cũng đầu tư khá lớn cho các vùng rau an toàn sau ngày dự án rau an toàn kết thúc. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, địa phương này có đến 12 ha rau chuyên canh, nhưng theo chúng tôi, chỉ khoảng 1/2 con số ấy là nhiều. Vùng rau Liêm Lạc sát sông Vĩnh Điện, đất cát pha gieo hạt xuống, đủ phân đủ nước là xanh tốt. Tại đây, ngoài đường bê-tông nội đồng từ khu dân cư ra tận ruộng, còn có hệ thống điện với những cột bê-tông ly tâm, nhiều bể nước xây kiên cố và hàng chục giếng khoan.
Thế nhưng, hiện tại ở vùng rau này không hề có một cây rau. Ít nhất 3/4 diện tích 4 ha tại đây đã chuyển sang trồng sắn. Ngày 20-5, trên vùng rau này chỉ 2 vợ chồng chị Lê Thị Hương ở tổ 3, Liêm Lạc xới đất trồng đậu. Chị Hương tâm sự: Mùa cận Tết mới trồng rau. Hơn nữa rau rẻ lắm, trồng không có lãi. Ít vụ sau ai cũng chuyển sang trồng đậu, mè. Nhìn những vạt sắn xanh tốt, những vạt cỏ tốt um càng thấy sự đầu tư vào vùng rau này quá lãng phí. Phía thượng lưu cầu Cẩm Lệ có bãi bồi, người dân ở đây gọi là La Hường rất bằng phẳng và màu mỡ.
Trước đây, vùng này trồng rau có tiếng. Còn nay rau cũng có, đủ loại nhưng xem ra chẳng có loại nào thu nổi vài ba trăm kg một lứa. Anh Mai Văn Phu, ở tổ 29, Hòa Thọ Đông vẫn thản nhiên phun thuốc cho luống rau dền. Hỏi anh phun thuốc như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng rau, anh thành thật: Có rau là có sâu. Không phun có khi ít ngày sâu phá hết. Tất nhiên gần ngày thu hoạch không phun nữa.
Ở quận Liên Chiểu, 4 vùng rau gần 4 ha mới hình thành sau khi quận đầu tư 400 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm điện dùng bơm nước, các giếng khoan, máy bơm, giống...
Chi cục Bảo vệ thực vật cũng vừa kết thúc dự án IPM trên đồng ruộng tại phường Hòa Hiệp Nam. Tuy vậy, có được cây rau ở địa phương này thật lắm gian nan. Cán bộ Phòng Kinh tế quận bám liên tục mới có thu hoạch. Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu cho hay: Có dự án tức là đi trồng rau cho mình, có tiền hằng ngày họ mới đi. Không có dự án, họ làm việc khác. Điều ông Thiết nói, chúng tôi đã chứng kiến hồi tham gia hội thảo đầu bờ dự án IPM ở Hòa Hiệp Nam. Khi hỏi chủ vườn dưa canh tác theo dự án, tiếp sau vụ này, không còn sự hỗ trợ có canh tác nữa không, chị thành thật cho hay: Không sản xuất tiếp, bởi đi làm việc khác thu nhập cao hơn.
Về sản lượng, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, các vùng rau an toàn mỗi năm cung cấp 4.500 tấn cho thị trường, cách khá xa so mục tiêu đề ra là 10 nghìn tấn của dự án. Về chất lượng, rau ở Đà Nẵng tạm chấp nhận được, tức là dùng đất sạch (vùng không bị ô nhiễm), nước sạch và quy trình sản xuất khá bài bản. Duy chỉ có việc bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rất khó kiểm soát. Vùng rau Đa Mặn đã từng gây chấn động bởi nạn ruồi dày đặc, trên các luống rau đầy dòi bọ do bón phân. Tình trạng đó sớm được khắc phục. Riêng việc sử dụng thuốc BVTV, chỉ dựa vào ý thức trách nhiệm của người trồng rau là chính. Cách đây mấy năm, Sở NN&PTNT mua 16 thiết bị TIT KIT, dùng kiểm tra dư lượng thuốc BVTV trên rau (kiểm tra định tính), nhưng đến nay, toàn bộ số thiết bị này không ai sử dụng.
Một thực trạng không mấy phấn khởi tại các vùng rau an toàn đó là các nhà lưới, với vốn đầu tư rất lớn nay không còn tác dụng. Lưới đã rách nát, để lại những trụ bê-tông chơ vơ trên vùng rau. Một số vùng hệ thống điện, nước tưới đã hư hỏng. Nói đúng hơn, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng rau tốn kém hàng tỷ đồng đã gần trở về con số không. Ông Trần Thanh Sơn, Chủ nhiệm HTX Bắc Mỹ An, nơi có 1 ha dự án rau an toàn, than phiền: Hàng trăm trụ bê-tông gây vướng. Nhổ bỏ đi cũng phải tốn kém kinh phí và ảnh hưởng đến sản xuất. Còn nhớ vùng rau này là nơi phá bỏ lưới kín đầu tiên khi người sản xuất bị ngộp thở và rau bị úa héo do quá nóng bức vì nhà lưới.
Có thể nói, Dự án sản xuất, tiêu thụ rau an toàn thất bại gần như toàn diện: Diện tích, sản lượng, chất lượng đều không đạt chỉ tiêu đặt ra. Các hạng mục đầu tư hoặc mất tác dụng, hoặc bị hư hỏng, thất thoát. Ý tưởng xây dựng thương hiệu cho rau an toàn đưa thẳng vào siêu thị không thực hiện được.
NGUYỄN CẦU