La Bông, Cẩm Nê, Yến Nê, 3 làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm nay ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Vậy nhưng, khi nền kinh tế mở cửa, những làng nghề này đã và đang đi vào quên lãng bởi không tìm ra chỗ đứng cho mình.
“Tiếng nón La Bông”
Bà Nguyễn Thị Đứt (Yến Nê) đan mủng lọc mắm do ngư dân đặt hàng. |
Đó là câu cửa miệng mà trước đây người ta thường nhắc khi nói đến nón lá do người làng La Bông làm ra. Bà Lê Thị Nhiên (75 tuổi, ở La Bông) bùi ngùi nhớ lại: “Hai mẹ con tôi trước đây vẫn sống bằng nghề chằm nón, nón lá quê tôi một thời nức tiếng đó cô à, người Đà Lạt có dịp về Đà Nẵng bao giờ cũng tìm đặt cho được nón lá La Bông”.
Những năm 90 trở về trước, làng nón bao giờ cũng nhộn nhịp người xe cước, kẻ rửa lá, chằm kim. Nón La Bông không chỉ để phục vụ cho nhu cầu địa phương mà còn được khách du lịch đặt theo mẫu mã, trang trí riêng. Thế nhưng làng nón hôm nay đã không còn nữa, cả làng La Bông giờ đã chuyển sang làm nghề nông thuần túy như bao làng quê khác.
Nghề nón cha ông truyền lại bao thế hệ nay đã không đủ sức nuôi sống lớp hậu sinh. Mỗi chiếc nón lá làm ra chỉ bán được 7 đến 8 nghìn đồng, cả ngày một người chằm giỏi, miệt mài cũng chỉ được 3 cái, trong khi chi phí cho vật liệu như khung, dần, cước, lá… cũng đã tăng lên từng ngày. Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Đạm (56 tuổi, La Bông): “Có muốn làm, đi mua lá cũng không ra, giờ chẳng còn ai lên núi để hái những nắm lá chỉ đáng giá vài nghìn đồng nữa”.
Dệt chiếu Cẩm Nê
Hai anh em ông Nguyễn Hữu Chắt và Nguyễn Hữu Tề, những người hiếm hoi của làng nghề đang miệt mài bên khung dệt. |
Trước đây, làng Cẩm Nê với 300 hộ dân, mỗi ngày làm ra hơn 50 đôi chiếu, nhưng hôm nay chỉ còn vài hộ có người già trên 70 tuổi đang giữ nghề. Hai đến ba cụ già mắt kém, chân run làm xong một đôi chiếu cũng mất 3 đến 4 ngày. Hai vợ chồng cụ Phan Uẩn, năm nay đã 78 tuổi, dù cụ ông mắt không còn thấy rõ lắm, cụ bà tai đã điếc, sống trong căn nhà cấp 4, hai cụ hằng ngày vẫn dệt chiếu nhưng không phải dệt để kiếm tiền nuôi sống gia đình như trước đây, bởi phải mất cả tuần, hai cụ mới làm xong một đôi chiếu trị giá chỉ từ 80 nghìn đến 120 nghìn đồng, trong khi tiền bỏ ra mua vật liệu làm đôi chiếu cũng tương đương (7kg lác = 50 nghìn đồng, 1/2kg đay = 20 nghìn đồng, phẩm nhuộm = 10 nghìn đồng, tiền công thuê người phơi lác, giũ lác = 10 nghìn đồng).
Cụ Uẩn kể giọng đầy xúc động: “Ông cụ thân sinh ra bà nhà tôi là Võ Lưỡng, người làm chiếu nổi tiếng một thời, đã từng được nhà vua mời vào dệt chiếu trong cung và phong đến chức cửu phẩm”. Có lẽ vì thế mà hai cụ vẫn miệt mài bên khung dệt với quá khứ vàng son.
Theo lời giới thiệu của người làng, chúng tôi đến nhà hai anh em cụ Nguyễn Hữu Chắt và Nguyễn Hữu Tề (76 tuổi), lúc này hai cụ đang dệt đôi chiếu chữ Thọ để kịp phục vụ cho lễ hội Hướng về nguồn của làng Cẩm Nê. Cụ Chắt có 8 người con đã trưởng thành nhưng không có ai theo nghề này, cụ rầu rỉ: “Nghề ông cha đến thế hệ anh em tôi là chấm hết, có gắng được mấy năm nữa đâu hả cô?”.Làng đan Yến Nê cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, cả làng chỉ còn đôi ba nhà, chủ yếu là người già còn đan lát, mà theo cụ Nguyễn Thị Đứt (Yến Nê) là “lấy công làm lãi, làm cho vui tuổi già”…
Một thực tế đáng buồn là ở Hòa Tiến dù có đến 3 làng nghề truyền thống, có từ thời mới thành lập làng, nức tiếng một thời, thế nhưng đến nay không hề có một tư liệu lịch sử nào nói về làng nghề? Cũng chẳng ai biết người khai sinh ra làng nghề? Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: “Hiện tại, chúng tôi cũng chưa sưu tầm được gì, vì thế hệ biết nhiều về gốc gác làng quê đã không còn nữa. Thế hệ chúng tôi hôm nay cũng chỉ biết sơ sơ qua vài ba câu chuyện truyền miệng”!
Làng nghề trong cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường đã và đang bị các sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại như cao su, sợi hóa học, nhựa polymer… gạt sang một bên. Thế hệ yêu nghề đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, lớp hậu sinh đã bươn chải vào đời bằng những nghề khác…
Rồi đây, La Bông, Cẩm Nê, Yến Nê sẽ về đâu trước lúc những dự án khôi phục, quy hoạch làng nghề ở Hòa Tiến kịp trở thành hiện thực?
Bài và ảnh: LÂM THANH