.

Vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành xuống cấp nhanh, vì sao?

.

Ngày 29-3-2003, Đà Nẵng kỷ niệm 28 năm Ngày giải phóng quê hương bằng một công trình rất ý nghĩa là khánh thành và đưa vào sử dụng đường Nguyễn Tất Thành. Đây là một công trình rất đặc biệt của  Đà Nẵng, thể hiện sự đồng thuận của lòng dân khi thành phố phải thực hiện giải tỏa, di dời gần 20 ngàn hộ dân chài sống sát vịnh Đà Nẵng với cơ sở hạ tầng yếu kém, để làm con đường này, đồng thời cải thiện điều kiện sống cho người dân.
 

Lối đi xuống biển giờ đây chỉ còn lại khối bê-tông nứt nẻ và những cọc sắt hoen rỉ.


Và khi con đường hoàn thành đã thể hiện tư duy dám nghĩ dám làm của thành phố Đà Nẵng khi không còn “quay lưng” ra biển mà mở “ban công” của thành phố hướng về biển. Chính vì ý nghĩa như vậy, công tác thiết kế xây dựng được đầu tư rất nhiều để xứng đáng với vị trí và tầm thế của con đường vừa đẹp vừa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc này. Con đường rộng 48 mét ở giữa có dải phân cách, nối từ chân cầu Thuận Phước kéo dài đến tận thôn Nam Ô 2  đã thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị của cả quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu. Đặc biệt, vỉa hè của con đường phía  vịnh Đà Nẵng được thiết kế rất độc đáo để trở thành một công viên đẹp cho người dân và du khách ngồi ngắm biển.

Suốt cả chiều dài 11km, cứ cách khoảng 100 mét có một lối đi xuống biển được làm rất công phu với lan can bằng sắt và nền lót gạch nung màu đỏ. Phần trên taluy của con đường được xây cao thêm 50cm và  cách điệu thành chiếc “tràng kỷ” với mặt ốp gạch men, phía ngoài là những thanh lan can sắt chạy dài với các điểm nhấn là trụ đèn trang trí. Ngay dưới chân “tràng kỷ” là hệ thống điện chiếu sáng đặt âm trong nền vỉa hè. Nền vỉa hè ngoài việc lót gạch con sâu, xây bồn hoa, còn được xây dựng thêm những dàn bê-tông nhưng đã được “mềm hóa” giống như những con sóng vỗ bờ để trồng các loại hoa có dây leo. Chính vì đẹp như thế nên mỗi khi đêm xuống, con đường thu hút rất đông người dân và du khách đến ngắm cảnh, dạo mát.

Thế nhưng thật đáng tiếc cho một tuyến đường đẹp như thế mà đã nhanh chóng bị xuống cấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân, từ thiết kế, chọn vật liệu xây dựng, nạn trộm cắp và cả thiên tai. Về thiết kế, ngay từ khi khởi công, rất nhiều nhà khoa học thông qua Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật thành phố đã cho rằng con đường lấn ra biển quá nhiều nên việc gia cố ổn định nền móng rất khó khăn, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung. Theo họ và cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới đã làm là phía ngoài con đường cần có vệt cây xanh, vừa tạo cảnh quan xanh vừa giảm độ ảnh hưởng trực tiếp việc xâm thực của biển với công trình. Kế đến là việc chọn vật liệu xây dựng và trang trí cũng cần phải xem lại.
 

Nhiều đoạn vỉa hè bị hất tung sau trận bão năm 2006 đến nay vẫn chưa khắc phục xong.


Vì nằm ngay sát mép biển nên con đường sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề của thời tiết vùng biển, việc lắp đặt hệ thống lan can bằng sắt nhưng không được mạ kẽm chống rỉ nên sau một thời gian ngắn đã bị rỉ và đổ gãy. Đặc biệt, do toàn bộ vỉa hè hình thành từ san lấp đất mới, nhưng đầm, gia cố ổn định không kỹ nên khi lót gạch con sâu, sau một thời gian ngắn đã lộ ra những vết nứt do nền bị sụt lún.

Thiết kế, xây dựng còn nhiều khiếm khuyết như vậy, cùng với nạn trộm cắp vật tư đã đẩy con đường xuống cấp nhanh chóng. Tình hình phức tạp đến nỗi thành phố đã quyết định những phường có con đường đi qua phải thành lập một tổ tự quản do dân quân tự vệ địa phương đảm nhận. Thế nhưng, sự có mặt của lực lượng này cũng không thể ngăn cản được nạn trộm cắp và phá hoại.

Với những ai đã từng một lần đến ngắm con đường này, giờ đây trở lại sẽ không khỏi  ngạc nhiên về sự xuống cấp trầm trọng đến vậy. Gần như toàn bộ vỉa hè không còn nguyên vẹn, vết tích tàn phá khủng khiếp của cơn bão năm 2006 vẫn còn khá rõ. Rất nhiều đoạn cống bị hất tung làm gãy đổ. Cả trăm lối đi từ vỉa hè xuống biển nền đã bị nứt nẻ bong tróc, còn những thanh lan can sắt thì một số đã bị cưa trộm đến tận gốc, một số rất ít còn lại cũng đã hoen rỉ ngả màu xám xịt. Ngay cả việc chăm sóc các bồn hoa, cây cảnh từ lâu cũng không còn duy trì thường xuyên, khiến cho cỏ dại mọc tràn cả lối đi, các loại cây xanh như dừa, dương liễu và các loại hoa đều còi cọc, xơ xác.

Trên vỉa hè như thế, còn dưới biển thì đang đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Trong lúc hệ thống cống liên phường vẫn ngày đêm đổ ra biển gây mùi hôi thối, thì người dân lại vô tư vứt rác ra vỉa hè và bãi biển.
Vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành đang bị xuống cấp nặng, cần phải nhanh chóng sửa chữa. Tuy nhiên theo chúng tôi, trước khi làm công việc này, các cơ quan chức năng cần đánh giá nghiêm túc những tồn tại để khắc phục một cách khoa học. Còn nếu làm theo kiểu hư đâu vá đó thì việc xuống cấp sẽ nhanh chóng tái diễn.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.