.

Bấp bênh nông nghiệp vùng ven

.

Người nhỏ thó, gương mặt đen sạm, ông Phạm Chỉnh ở phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đang nỗ lực trồng lứa rau cuối cùng trên mảnh đất 2 sào thuê ở cánh đồng Sơn Thủy, phường Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn) để đầu tháng 8 tới giao đất cho Dự án Suối khoáng nóng Hoàng Trà. Đây là lần thứ 2, ông phải từ bỏ nghề trồng rau truyền thống của gia đình.
 

Vùng rau Đa Mặn thuộc phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn) sản xuất rất hiệu quả, mới xây dựng 4 năm, nay cũng đã nằm trong vùng quy hoạch.


Lần trước, cách đây 3 năm, khu vườn rau nhà ông ở Mân Thái giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Nhận tiền đền bù xong, vợ chồng ông chuyển sang buôn bán nhưng ế ẩm, lại quay về với nghề trồng rau. Có người mách bảo, ông xuống mãi Hòa Hải thuê 2 sào dọc sông Cổ Cò đầy cỏ dại, dày công cải tạo mới có được như hôm nay.
 
Mới qua năm thứ 2, khu đất ông thuê đã nằm trong vùng quy hoạch. Ông tâm sự: Chủ đất nhận đền bù 28 nghìn đồng/m2. Còn tôi được hỗ trợ 15 nghìn đồng/m2 rau màu. Mới sản xuất được hơn một năm đã phải giải tỏa, thật uổng. Đợt này không biết kiếm nghề gì. Trồng rau tuy vất vả nhưng mỗi tháng thu 4-5 triệu đồng cũng đỡ.

Hàng chục hộ ở Sơn Thủy, phường Hòa Hải tích cực chăm bón lứa rau cuối cùng. Bà Nguyễn Thị Cát, ở tổ 3 cho hay: Húng tàu mỗi ký 18 nghìn đồng, mỗi ngày thu trên hai chục ký. Nay giải tỏa không biết làm gì để có thu nhập như vầy. Trên hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề hơn 2 triệu đồng/sào, nhưng biết chuyển đổi nghề gì bây giờ. Đi dọc cánh đồng Hà Mạc, khu vực Sơn Thủy, nơi  có 5-7 ha trồng rau diếp cá, la gim, chúng tôi hiểu nỗi trăn trở của nông dân vùng này. Ai cũng lo lắng đến việc làm sau khi đất canh tác giải tỏa.

Phường Hòa Quý vốn yên bình với nghề nông mỗi năm 2 vụ lúa với 386 ha. Thường xuyên đối mặt với thiên tai, hết khô hạn là lũ lụt, thế nhưng nông dân không ai bỏ ruộng. Không giàu có cho lắm nhưng từ ruộng, họ có cuộc sống khá ổn định. Nay ô-tô tải lớn ùn ùn chở đất đến san lấp ruộng để xây dựng khu đô thị bố trí dân cư dự án sân gôn. Cũng như bà con Hòa Hải, nông dân vùng này đều thông suốt chủ trương mở rộng đô thị về phía nam của thành phố.

Tuy nhiên, ai cũng băn khoăn khi chưa tìm ra giải pháp phát triển kinh tế sau giải tỏa. Năm ngoái đền bù 28 nghìn đồng/m2 đất nông nghiệp, có thể mua 4kg gạo. Còn hiện nay chừng đó tiền chỉ đủ mua 2kg. Tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề hơn 2 triệu đồng/sào, liệu có làm được gì với thời giá hiện nay?
Năm nay, sản xuất nông nghiệp ở phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) khí thế giảm khá nhiều so mấy năm trước. Đơn giản chỉ vì dự án khu đô thị sinh thái đã phê duyệt thu hồi gần như toàn bộ đất nông nghiệp của địa phương này.
 
Nông dân chỉ biết sản xuất cầm chừng chờ bàn giao cho dự án. Cũng vì vậy mà đầu tư cho sản xuất ít ai tính đến. Vụ hè thu này, nhiều hộ triển khai chậm thời vụ do thiếu sức kéo. Nói về thực trạng này, ông Đặng Chi, Chủ nhiệm HTX SX NN Hòa Xuân cho hay: Gần giải tỏa, ai mua máy móc làm gì, thôi thì làm đến đâu hay đến vậy. Ngược lên Liên Chiểu, đến phường nào cũng bắt gặp tình trạng tương tự. Người nông dân chỉ sản xuất cầm chừng, chính quyền địa phương không mạnh dạn đầu tư.

Ngay như các xã vùng trọng điểm lúa của huyện Hòa Vang, sản xuất cũng không còn ổn định như trước. Đô thị đã tiến sát các cánh đồng trước đây là vựa lúa của địa phương… Có thể nói, sản xuất nông nghiệp vùng ven thị Đà Nẵng đang rất bấp bênh. Các dự án quy mô lớn đã phê duyệt, treo dài dài đang gây tâm lý bất an trong nông dân. Không đầu tư thì khó khăn cho sản xuất, mà đầu tư liệu có bền vững lâu dài? Cũng vì vậy mà năng suất cây trồng liên tục giảm, cả về sản lượng.

Cần có quy hoạch ổn định cho sản xuất nông nghiệp ở vùng ven thị, đó là mong muốn của nhân dân các địa phương có nhiều đất canh tác bị giải tỏa. Phát triển mở rộng đô thị là rất cần thiết, song vấn đề an ninh lương thực không thể không tính đến. Hơn thế nữa, giải tỏa hết đất nông nghiệp, liệu đời sống nông dân có khá giả khi cầm trong tay mấy chục triệu đồng tiền đền bù để rồi không biết làm gì có thu nhập, ổn định đời sống. Hy vọng những vấn đề nêu trên, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng lưu tâm.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.