.

Nghệ sĩ làm vườn

.

Tham quan khu vườn cây cảnh rộng 6.000m2 của ông Trương Hữu Bửu (thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương, Hòa Vang), chúng tôi mới nhận ra rằng đã qua rồi cái thời nhà nông chỉ trông chờ vào hạt lúa, củ khoai. Trong thời buổi kinh tế hội nhập, người nông dân đã đổi mới tư duy để không chỉ “ăn no, mặc đủ” mà bắt đầu chuyển hướng đa dạng hóa ngành nghề, không những để làm giàu mà còn vì thú vui điền viên.

Học cách làm giàu


Bao đời nay, gia đình ông Trương Hữu Bửu chỉ quen với nhát cuốc, lưỡi cày, tất cả mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào hạt lúa. Cuộc sống nông dân quẩn quanh bên mép ruộng, những thế hệ trong gia đình ông chỉ mong đủ ăn là mừng.

Nhưng rồi một ngày, nhờ được đi một chuyến tham quan do Hội Nông dân thành phố tổ chức cho những nông dân sản xuất giỏi mà ông đã học cách làm giàu, để về mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích đất đai trong nhà trước đây chỉ trồng đôi hàng cà, dăm luống rau thành mảnh vườn đầy chậu hoa và cây cảnh.

Với 10 triệu đồng vốn mà ông vay của Hội Nông dân huyện Hòa Vang, thật không dễ để thực hiện một cuộc cách mạng làm giàu của người nông dân theo kiểu nghệ sĩ này. Những ngày đầu tiên thật khó khăn đối với ông vì chưa có kinh nghiệm, cây thì chết, cây tạo mãi không ra thế mà mình mong muốn; thế nhưng không nản, ông đã lặn lội tìm những người chơi cây cảnh lâu năm ở Đà Nẵng như ông Quý, ông Thường (đường 2 tháng 9)… để học tập kinh nghiệm.
 
Để giảm chi phí, thời gian này ông cùng các con thường lên rừng tìm cây tự nhiên đào bới mang về chăm sóc rồi tạo dáng tạo hình, nhưng chơi cây cảnh ngoài sự cần mẫn, tỉ mỉ còn cần một tâm hồn và hơn thế nữa là sự kiên nhẫn. Ông tâm sự: “Trước đây làm lúa, chỉ làm theo thời vụ nên thời gian nông nhàn rất nhiều. Giờ làm cây cảnh mới thấy giống bác sĩ, tôi cứ phải cặm cụi bên chúng cả ngày, phải làm sao để cây không chỉ sống, mà còn xanh đẹp, tươi tốt”.

Trở thành ông chủ vườn nổi tiếng

Sở hữu một diện tích 6.000m2 chuyên trồng cây cảnh, ngoài ra ông Bửu còn thuê thêm 3.000m2, trong đó 2.000m2 chuyên trồng cỏ nhung Mỹ, 1.000m2 chuyên trồng các loại cau cảnh như cau voi, cau trắng, cau sâm banh…

Tổng thu nhập bình quân một năm của gia đình ông lên đến 300 - 400 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí cũng lãi trên 100 triệu đồng. Ông Bửu trở thành người kinh doanh cây cảnh nổi tiếng ở Đà Nẵng, không chỉ trong giới chơi cây cảnh mà nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn biết đến ông bởi dịch vụ làm công trình trồng cây và bảo hành cây cho các công trình công cộng như làm khuôn viên cho khu du lịch Olan Lani Resort, Sandy beach Non Nước Resort, Sân gôn Hòa Hải, Khu công nghiệp Hòa Khánh… với những công trình lên đến hàng trăm triệu đồng.

Lúc đầu, ông cặm cụi bên những gốc cây với khát vọng thoát nghèo. Nhờ chăm chỉ, biết lấy ngắn nuôi dài, chưa đến 10 năm sau ngày chuyển hướng làm ăn, giờ giá trị vườn cây của ông đã lên bạc tỷ. Nhưng rồi, tình cây đã len lỏi và chắp cánh cho tâm hồn của người nông dân mộc mạc này, nhìn những thế mai được uốn nắn công phu, mềm mại kia ít ai nghĩ rằng ông chủ của chúng vốn là một nông dân chỉ quen trồng lúa… Khu vườn của ông ngày càng được sưu tầm, bổ sung thêm nhiều loại cây, thế cây mới, nào sung, lộc vừng, mai chiếu thủy, mai chiếu thiên…

LÂM THANH

;
.
.
.
.
.