.

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp chao đảo

.

Cho dù trong tháng 6 này, giá USD trên thị trường đã có dấu hiệu phục hồi và tăng nhẹ, lên mức 17.000 - 17.500đ/USD (sáng ngày 4-6), tuy nhiên, những hậu quả sau gần nửa năm sụt giá đã để lại cho các DN không dễ gì có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Vận hành thiết bị cung cấp hơi lạnh cho các phân xưởng sản xuất ở Công ty cổ phần Procimex.


Quý 1 và nửa đầu quý 2 năm 2008, ngành công nghiệp, nhất là các đơn vị làm hàng xuất khẩu như dệt may, chế biến hải sản xuất khẩu… bị chao đảo bởi 2 sự kiện đặc biệt quan trọng là USD sụt giá và lãi suất ngân hàng tăng cao. Làm thế nào vượt qua khó khăn này để tồn tại và vươn lên vẫn là mục tiêu chi phối toàn bộ tâm trí, sức lực của mỗi DN.

Ngay từ những ngày đầu năm, đồng USD bất ngờ giảm giá đã giáng “một đòn chí mạng” vào các DN dệt-may và chế biến hải sản xuất khẩu bởi các hợp đồng đã được ký kết từ giữa năm 2007, không điều chỉnh giá được. Ông Trần Văn Phổ, Tổng Giám đốc Công ty Dệt-may Hòa Thọ cho biết: Mỗi ngày công ty mất 30 triệu đồng nếu thực hiện hợp đồng như đã ký với các đối tác.
 
Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu tăng cao, mà sản phẩm của công ty có tới gần 80%  nguyên liệu phải mua bằng tiền VNĐ. Sự mất giá của USD so với VNĐ là tác nhân chính đẩy DN xuất khẩu rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, công ty vẫn thực hiện được hợp đồng với khách hàng như đã ký là do đã cắt giảm một số chi phí chưa thực sự cần thiết và có sẵn một nguồn vật tư dự trữ nên đã giảm đáng kể sự thiệt hại. Các đơn vị thiếu vốn, không có vật tư dự trữ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Các DN chế biến hải sản xuất khẩu cũng đang phải thực hiện những hợp đồng đã ký với các đối tác khi giá trị của USD còn cao và sẽ lỗ nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Thêm vào đó, có quá nhiều DN tham gia chế biến hàng hải sản xuất khẩu trên cùng một địa bàn, trong khi nguồn cung cấp nguyên liệu có hạn, giá đầu vào cho đánh bắt hải sản tăng, dẫn đến tình trạng tranh mua và giá tất nhiên sẽ cao. Bà Ngô Thị Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Pocimex cho biết: Có lúc vì phải đáp ứng ngay đơn đặt hàng cho Hàn Quốc, công ty đã phải mua cá Đổng quéo (mặt hàng có nhiều DN cũng làm) với giá rất cao và chấp nhận lỗ.
 
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Giám đốc Công ty CP Nhật Hoàng cho biết thêm: Nhất là những thời điểm ngư dân gặp khó khăn, không đi biển được, việc thu mua nguyên liệu rất khó, giá cao và phải giao tiền mặt ngay, mà tiền mặt thì không phải lúc nào cũng có đủ để thanh toán ngay.

Tục ngữ có câu “Họa vô đơn chí”, điều này đúng với các DN trong tình cảnh hiện nay. Bắt đầu từ sáng 19-5-2008, các ngân hàng đã đồng loạt công bố biểu giá lãi suất mới theo cơ chế xóa bỏ trần lãi suất huy động mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành. Đây là một sự “cởi trói” cho ngành ngân hàng nhưng đồng thời là nỗi lo âu mới đối với các DN.
 
Việc tăng lãi suất huy động cũng đồng nghĩa với việc các DN phải vay vốn lưu động với lãi suất cao. Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, lâu nay tỷ lệ trượt giá lạm phát cao đã khiến vốn đầu tư tăng lên, với mức lãi suất vay 15 - 16%/năm đã căng thẳng, nay tăng cao hơn sẽ có rất nhiều DN điêu đứng vì không tìm được lợi nhuận trong các đơn hàng.

Để lãi suất không thành gánh nặng, nguyện vọng của các DN là các ngân hàng nên cân đối vốn tín dụng phát triển ở từng khu vực phù hợp, linh hoạt về đồng vốn trong hệ thống. Không thể để kéo dài mãi cảnh các DN vẫn còn dư nợ vay tín dụng mà lại bị “khóa sổ” khi các ngân hàng công bố vượt 30% vốn đầu tư phát triển.

Mức tính tổng dư nợ phát triển cho vay ở nhiều ngân hàng chưa phù hợp, thường lấy mốc cuối năm, lúc DN ít vay nhất vì hết đơn hàng. Qua 2 cơn “địa chấn” trên, các DN, nhất là các DN dệt-may, chế biến hải sản xuất khẩu, cần có sự hỗ trợ kịp thời từ ngân hàng, các chính sách hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
 

;
.
.
.
.
.