Tháng 1-2007, Công ty TNHH vận tải Hoàng Long làm lễ khai trương và đưa trạm dừng chân tại Đà Nẵng vào hoạt động, chính thức đưa Đà Nẵng trở thành “sân bay” để đội xe giường nằm hai tầng Hoàng Long dừng chân nghỉ và đón khách cho lộ trình xuyên Bắc-Nam của mình. Ngay lập tức, sự kiện này thu hút sự quan tâm đặc biệt của hành khách và cả những người kinh doanh vận tải khách.
Hành khách lên xe Hoàng Long ở trạm Đà Nẵng. |
Với những chiếc xe Kinglong cao gần 4 mét, lắp đặt hai dãy giường tầng, bảo đảm cho người đi xe cảm giác thoải mái nằm, ngồi hay mỗi khi lên xuống giường. Trên xe luôn dùng điều hòa nhiệt độ ổn định ở mức 22 độ C, có nhà vệ sinh, có khăn lạnh, có nước nóng, nước lạnh dùng trên suốt hành trình. Đặc biệt, xe không dừng đón khách dọc đường, mà chỉ dừng nghỉ và đón khách tại những trạm dừng chân do công ty xây dựng, bảo đảm chất lượng phục vụ khách ở mức cao nhất.
Chính điều này mà nhiều hành khách sau chuyến đi bằng xe giường tầng Hoàng Long đã không ngần ngại so sánh đây là “hàng không mặt đất”. Về phía mình, Công ty Hoàng Long cũng nhanh chóng tăng số đầu xe để rút ngắn thời gian xe vào trạm từ 2 giờ xuống 1 giờ. Tại trạm dừng chân Đà Nẵng, hiện mỗi ngày có 10 lượt xe từ Bắc vào và 10 lượt xe từ Nam ra nên hành khách có nhiều lựa chọn thời gian và giờ đi, đến chính xác.
Sự thành công ngay khi mới đưa vào khai thác của Công ty Hoàng Long đã khiến cho nhiều đơn vị khác vào cuộc. Tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ thương mại Phi Hiệp dù mới thành lập chưa lâu cũng nhanh chóng nhập cuộc bằng bước đi thăm dò là đưa một xe giường nằm hai tầng chạy tuyến Đà Nẵng-thành phố Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm 2007.
Với chất lượng phục vụ có thể nói không thua gì Hoàng Long, đồng thời vận chuyển miễn phí khách trong thành phố về bến xe để đi, nên ngay từ những chuyến đầu tiên, Phi Hiệp đã được nhiều khách hàng lựa chọn. Sau vài tháng chạy thử nghiệm, hiện nay đội xe của Phi Hiệp đã có 5 chiếc. Tiếp nối Phi Hiệp, Công ty TNHH Vận tải Đình Nhân cũng nhập cuộc với đội xe gần 10 chiếc. Theo đánh giá của Ban giám đốc công ty, tình hình hoạt động đội xe giường tầng rất khả quan, mỗi chuyến xuất bến gần như kín chỗ.
Không bỏ qua cơ hội này, hiện Công ty Hải Vân cũng chạy thử nghiệm xe giường nằm tuyến đường Đà Nẵng-Vinh. Trong khi đó, đại diện Công ty Vận tải du lịch Đại Phát cho biết cũng đã hoàn thành việc chạy thử nghiệm tuyến Đà Nẵng-Hà Nội, và đang tích cực chuẩn bị mở rộng các tuyến khép kín Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh. Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ nay đến cuối năm, trên địa bàn thành phố, ít nhất sẽ có thêm hai đơn vị nữa trang bị phương tiện “hàng không mặt đất”.
Và theo tiết lộ của hai đơn vị này, chất lượng sẽ cao hơn những đội xe đang hoạt động, với hình thức đội xe, nhân viên phục vụ và cách thức tiếp cận thị trường sẽ rất độc đáo. Hai “đại gia” - một của thành phố Hồ Chí Minh và một của Hà Nội cũng sắp sửa đưa đội xe “hàng không mặt đất” vào hoạt động. Cả hai đơn vị đang khẩn trương xúc tiến việc xin giấy phép, xây dựng trạm nghỉ và đón khách trên địa bàn thành phố để đưa vào khai thác sớm nhất.
Gần mười năm trước, hoạt động vận tải hành khách đã lên cơn sốt với “xe chất lượng cao” khi các công ty đua nhau trang bị xe đời mới, có gắn điều hòa, chạy đúng tuyến, đúng giờ, đã tạo nên áp lực đáng kể với xe vận tải hành khách bình thường khác. Bây giờ đến lượt chính “xe chất lượng cao” bị “hàng không mặt đất” gây áp lực về phân chia thị phần.
Tuy nhiên, cuộc đua lần này không những tạo áp lực với hoạt động vận tải hành khách bằng ô-tô, mà còn ảnh hưởng đến các loại hình vận tải hành khách khác như tàu hỏa... Theo tính toán của nhiều hành khách từng đi xe “hàng không mặt đất”, thời gian ngắn hơn tàu hỏa và so với hàng không thì giá vé chỉ bằng một nửa, đó là những thông số ấn tượng trong khi chất lượng phục vụ không hề thua kém.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN