.

Sau hơn một tháng “sốt”: Giá gạo vẫn cao

.

Các bà nội trợ dù nghe nói “thị trường gạo đã bình ổn”, nhưng vẫn thắc mắc: vì sao giá gạo vẫn rất cao?

Giá không chịu xuống

Chị Đan Dung (100 Âu Cơ, Liên Chiểu) nhẩm tính: “Mỗi ngày, nhà tôi ăn khoảng 2kg (loại gạo 14.000đ/kg), tính ra là 25.000 đồng! Hồi trước, gạo là thứ rẻ, bữa nay chiếm tới 1/4 giá trị bữa ăn rồi!”. Cùng tâm trạng như chị Dung, nhiều người khác, nếu gia cảnh “được được” thì cũng “bấm bụng” mua loại gạo Lài sữa, hoặc gạo Thái Lan, với giá cao: 14.000-15.000đ/kg.
 

“Sốt” ảo đẩy giá gạo tăng cao hơn một tháng trước, đến nay giá gạo vẫn không chịu lui về mức cũ, gây khó cho người tiêu dùng.


“Lâu nay quen miệng ăn gạo Lài sữa dẻo thơm, trời nắng nóng lại dễ nuốt hơn, nên chừ có cao mấy cũng phải ráng. Bù lại, mình ăn ít đồ ăn cho cân bằng chi tiêu”, chị Hoàng Thị Dung (Yên Bái, Hải Châu) cho biết. Tuy “bấm bụng”, các bà nội trợ vẫn thấy hơi sốc, bởi cơn “sốt” gạo ảo đã qua hơn 1 tháng, mà giá gạo sau “sốt” vẫn chẳng thèm thông cảm với người tiêu dùng, chỉ hạ chừng 2.000-3.000đ/kg tùy loại.

Người có thu nhập thấp phải mua gạo quê với giá 10.500-11.000đ/kg (trước “sốt” chỉ khoảng 7.000đ/kg), hoặc chịu khó vào tận các vùng ven để mua gạo từ nông dân với giá 8.500đ/kg. Chị T., chủ một cửa hàng gạo lớn ở chợ Cồn cũng công nhận: “Vào thời điểm “sốt”, nhiều loại gạo tăng tới 8.000đ/kg, nhưng hạ thì rất chừng mực. Tụi tôi lấy hàng giá đắt từ miền Nam, nên phải bán giá cao”.

Thực tế, cứ vài ngày, thị trường gạo lại giảm, nhưng giảm rất nhẹ, từ 200-300đ/kg, mà mức giảm ấy đối với người nội trợ cũng “chẳng thấm tháp vào đâu”. Như vậy, cách đây hơn một tháng, dù giá gạo đột ngột tăng cao do “sốt” ảo, nhưng đến nay vẫn ở mức ngất ngưởng. Dù Nhà nước và địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt để bình ổn giá, một mặt bằng giá mới cao hơn trước nhiều vẫn mặc nhiên được thiết lập, và người chịu khổ vẫn là người tiêu dùng.

Chất lượng gạo: không biết đâu mà lần

 
Ông LÊ VIẾT TƯƠI, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng:

Gạo giá rẻ và chất lượng mới bảo đảm bình ổn giá Về việc gạo do Công ty Cổ phần Lương thực bán ra với giá 9.500đ/kg vào cuối tháng 4 có hiện tượng khô, khó ăn, chúng tôi ghi nhận và sẽ làm việc với công ty này, đòi hỏi gạo bán ra cho dân dùng phải là gạo chất lượng mới gọi là “góp phần bình ổn giá”.

Hiện nay, giá gạo vẫn ở mức cao là xuất phát từ giá cao ở nguồn cung (do hầu hết gạo được bày bán trên thị trường Đà Nẵng đều nhập từ miền Nam), và một phần do phản ứng dây chuyền: bên này tăng, bên kia cũng tăng.

Một mặt, chúng tôi tôn trọng cơ chế thị trường, mặt khác, chúng tôi cùng các bên có liên quan vẫn phải chịu trách nhiệm, không để thị trường lương thực bị thả nổi. Chúng tôi sẽ sớm mổ xẻ các tác nhân để tìm ra giải pháp giảm nhiệt giá cả trong thời gian tới.

 
Phải mua gạo với mức giá cao, nhưng người tiêu dùng vẫn không biết làm sao để phân định rõ chất lượng. Nhiều đại lý, cửa hàng bán gạo thậm chí không để bảng niêm yết giá, bởi việc mua – bán chỉ dựa trên mối quan hệ “người quen”, mang gạo về nấu cơm mới thật sự biết gạo ngon hay dở. Chị Đan Dung bức xúc: “Trước “sốt”, tôi mua gạo ni chỉ có 9.000đ/kg, ăn rất ngon, cơm trắng dẻo, “sốt” giá lên tới 17.000đ/kg, chừ còn 14.000đ/kg, nhưng ăn không được như trước nữa.
 
Hỏi người bán thì họ cứ ậm ừ”. Nhiều người dân đã mua gạo từ 5 điểm cung ứng gạo của thành phố vào cuối tháng 4, nhưng do gạo khô khó ăn, họ phải mua thêm các loại gạo khác, trộn và nấu chung với nhau. Các đợt kiểm tra mặt hàng gạo của Chi cục Quản lý thị trường cho thấy: đã có dấu hiệu trộn lẫn gạo ngon với gạo dở ở một số cơ sở kinh doanh gạo. Chủ cửa hàng gạo trên đường Ông Ích Khiêm tiết lộ: “Người ta bán lại cho tôi loại gạo mua của Công ty cổ phần Lương thực, gạo đó cứng lắm, nên tôi trộn với gạo thường để bán”.

Nói về việc kiểm soát chất lượng gạo, một cán bộ thuộc Sở Công thương lắc đầu, vì theo ông, chưa có cơ quan nào định chuẩn gạo gì thì chất lượng phải thế nào. Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Lê Viết Tươi cho rằng, để kiểm định được điều đó, cần có sự phối hợp giữa các bên như Công thương, Y tế, Đo lường chất lượng. Và việc này sẽ được Sở Công thương sớm trình với UBND thành phố có kế hoạch ổn định chất lượng gạo, bảo đảm đời sống dân sinh, để nhân dân không bị thiệt thòi.
                     
Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.