Mùa khai thác hải sản thuận lợi nhất trong năm đã gần qua, thế nhưng 5 tháng đầu năm, ngư dân Đà Nẵng chỉ khai thác được 18.200 tấn, bằng 43,9% kế hoạch năm, giảm 4,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, quận Thanh Khê - địa phương có thế mạnh về lĩnh vực này chỉ đạt gần 6 nghìn tấn, giảm 36% so cùng kỳ năm 2007.
Mùa mưa bão đã cận kề, điều đó đồng nghĩa với hoạt động đánh bắt hải sản thời gian tới rất khó khăn. Và như vậy, chỉ tiêu 41.640 tấn hải sản năm 2008 của Đà Nẵng rất khó thành hiện thực.
Cảnh cá biển về nhiều ở Cảng cá Thuận Phước ít dần trong thời gian gần đây. |
Dầu, lương thực, thực phẩm đồng loạt tăng giá, trong khi giá hải sản không tăng bao nhiêu dẫn tới thu nhập từ khai thác hải sản thấp, ngư dân không thiết tha bám biển là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên. Bên cạnh đó, thiếu vốn đầu tư sửa chữa, thiếu lao động, nhiều tàu nằm bờ thời gian dài.
Chỉ tính riêng quận Thanh Khê đã có trên 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ lưu cữu tại bến hơn một năm nay. Xu hướng bỏ khai thác xa bờ, lùi vào gần bờ khá phổ biến. Không ít ngư dân khôi phục kiểu đánh bắt nhỏ lẻ, sáng đi tối về, hoặc chiều hôm trước ra khơi, sáng hôm sau cập bến, sản lượng không đáng kể. Một số tàu do dầu tăng giá đã chuyển đổi từ nghề giã cào (loại thường cho sản lượng cao), sang các nghề khác như lồng mực, lưới vây…
Ông Ngô Văn Hiền ở tổ 22, phường Thanh Khê Đông (Thanh Khê) rất mạnh dạn đầu tư cho đánh bắt hải sản. Hiện ông có cặp tàu loại 420 CV/chiếc mang số ĐNa 90179, ĐNa 90234, làm nghề giã cào cao tốc. Hồi dầu chưa tăng giá, cặp tàu ông liên tục bám biển; cứ 15 ngày/chuyến, đưa về trên dưới 20 tấn cá, mỗi năm đóng góp cho sản lượng chung hơn 300 tấn. Từ ngày dầu tăng giá đến nay, có khi cả tháng tàu mới ra khơi một chuyến. Ông cho hay: Dầu, lương thực, thực phẩm tăng giá, chi phí chuyến biển tăng 20-30% so trước đây. Trong khi giá hải sản tăng giảm thất thường. Không chỉ chủ tàu mà người làm công thu nhập thấp hơn trước 20 - 30%. Những người dạn dày kinh nghiệm trên tàu đánh bắt xa bờ, do thu nhập thấp lần lượt chia tay với nghề đánh bắt hải sản.
Hàng trăm tàu hư hỏng nằm bờ cả năm trời dọc bờ đông sông Hàn, một trong các nguyên nhân làm sản lượng hải sản đạt thấp. |
Những khó khăn trên, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng đã nhận thấy. Chính phủ đã có Quyết định 289/QĐ-TTg, trong đó có nội dung hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, thay máy mới ít tiêu hao nhiên liệu và hỗ trợ về dầu… Tuy vậy, quyết định ban hành từ 18-3-2008, đến nay danh sách các chủ tàu đề nghị hỗ trợ vẫn chưa lập xong, kinh phí hỗ trợ chưa biết lấy từ nguồn nào. Về vấn đề này, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần khẩn trương triển khai để ngư dân sớm nhận được hỗ trợ theo quy định. Việc đưa hàng trăm tàu đang nằm bờ cả năm nay ra khơi cũng là vấn đề cần quan tâm. Chính quyền các cấp, ngành thủy sản cùng ngư dân tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng hư hỏng của từng tàu, từ đó có phương án sửa chữa kịp thời.
Cũng phải thấy rằng, tâm lý trông chờ ỷ lại của ngư dân khá phổ biến. Hiện tại, vốn vay từ ngân hàng cho đóng sửa tàu thuyền khá lớn. Theo ông Mai Anh Súy, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, hiện ngư dân địa phương đang nợ ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng đã quá hạn, từ đó các dự án vay khôi phục, sửa chữa mới rất khó giải ngân. Một vấn đề không kém phần quan trọng là đẩy mạnh chuyển đổi ngành nghề, áp dụng công nghệ cao trong đánh bắt, mỗi tàu triển khai nhiều nghề. Cũng theo ông Súy, ngư dân Thanh Khê câu mực theo kiểu thủ công hiện nay năng suất chỉ bằng 1/20 so với công nghệ chụp mực hiện đại của ngư dân Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ngành Thủy sản cần sớm hình thành đội tàu hậu cần nghề cá trên biển, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng được mùa thì giá hải sản thấp, gây thất thu cho ngư dân. Ngoài ra, cùng với việc nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn trên biển, ngư dân cần có sự hợp tác trong đánh bắt, bỏ dần kiểu đánh bắt đơn lẻ, thiếu tính cộng đồng, giấu ngư trường đang có ở không ít tàu hiện nay. Có như vậy mới góp phần nâng sản lượng hải sản, bảo đảm kế hoạch đề ra.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU