.
BỘ CÔNG THƯƠNG GIAO BAN TRỰC TUYẾN:

Đẩy mạnh sản xuất, giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội

.

Ngày 8-7-2008, tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2008.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội, tại Đà Nẵng do Thứ Trưởng Lê Dương Quang và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Chính chủ trì, tại đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh do Thứ Trưởng Bùi Xuân Khu chủ trì.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Chính, Thứ Trưởng bộ Công Thương Lê Dương Quang chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, toàn ngành thực hiện được giá trị sản lượng 326.641 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ, trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước do các địa phương quản lý giảm 0,8%, còn lại đều tăng từ 9,5% trở lên so với cùng kỳ. Đặc biệt, ngành Dầu khí tăng 92,1% so với cùng kỳ, cao nhất toàn ngành. Có 8 địa phương đạt mức tăng trưởng từ 16,9% trở lên. Thành phố Đà Nẵng được xếp ở nhóm 2 cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nhóm tuy có tăng trưởng nhưng chưa bằng mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Các báo cáo và kiến nghị của các tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Điện lực, Dệt-may, Công nghiệp Than - Khoáng sản, Thép, Xăng dầu cho thấy, những khó khăn nổi bật đang là nguy cơ làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành Công Thương chậm lại là do tình hình lạm phát và biến động mạnh của thị trường thế giới, nhất là giá xăng dầu tăng và đồng đô la Mỹ mất giá.

Việc thiếu điện là do tiến độ thi công các nhà máy sản xuất điện trong và ngoài ngành điện rất chậm so với kế hoạch - điển hình là các nhà máy điện Cà Mau 1-2, Nhơn Trạch nên không có điện cung cấp cho ngành điện để phân phối. Vì thế, tình hình thiếu điện cũng đang là một nguy cơ lớn làm chậm tốc độ tăng trưởng của ngành Công Thương.

Ngoài ra, lãi suất ngân hàng đang ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của một số ngành. Ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn Dệt-may cho rằng, ngành này chỉ có thể chịu được lãi suất giao động từ 15% đến 16%, mức độ 18% và cao hơn mà nhiều ngân hàng đang áp dụng hiện nay là quá cao so với các cơ sở sản xuất. Tuy vậy, ngành Dệt-may phấn đấu đến năm 2010 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 20 đến 25 tỷ USD, vượt ngành Dầu khí về kim ngạch suất khẩu nhờ có rất nhiều dự án lớn sắp đi vào hoạt động.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tinh thần của hội nghị giao ban này nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu và giảm lạm phát nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Vì vậy, việc hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2008 có ý nghĩa rất quan trọng để đưa nước ta ra khỏi tình trạng lạm phát. Muốn vậy, phải ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, giảm nhập siêu.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, các địa phương, đặc biệt là ngành Điện và ngành Dầu khí... không đổ lỗi cho nhau mà phải cùng nhau tìm ra các giải pháp phù hợp, đẩy mạnh sản xuất điện, phấn đấu giảm mức thiếu điện (hiện cả nước thiếu khoảng 2.500 Mw) bằng việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Ngành Thép không tăng giá bán, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ thép cho thị trường...đồng thời, phải phối hợp với các ngành khác tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Tin và ảnh : Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.