.

Bức tranh mới ở khu dân cư Hóc Khế

.

Qua cầu Giăng thuộc địa phận xã Hòa Phong, rẽ tay phải, đi tiếp khoảng 2km đường bê-tông liên thôn Dương Lâm 2, Khương Mỹ là đến khu dân cư nhỏ dưới chân đập Hóc Khế. Đây là khu kinh tế mới được hình thành khi xã Hòa Phong thực hiện kế hoạch giãn dân, với 22 hộ nghèo, đông con đến lập nghiệp vào thời điểm năm 1982.

Lúa hè thu đang phát triển tốt.
Năm 2006 về trước, đường giao thông ở đây nhỏ hẹp, ẩn mình trong lau sậy, không điện thắp sáng, sản xuất nông nghiệp yếu kém, năng suất lúa 2 vụ chỉ đạt từ 1,5-2 tạ/sào; đất vườn - đồi chưa phát huy. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ở trong tình trạng “cái khó bó cái khôn”. Người dân cố gắng lao động và dần dần cuộc sống cũng tạm ổn định. Hộ ông Nguyễn Vinh có nhiều người trong tuổi lao động khỏe mạnh, chăm làm, nên đời sống được cải thiện. Những hộ khác cũng từng bước thâm canh trong sản xuất, đời sống kinh tế ngày càng chuyển biến đi lên.

Trong hai năm 2007 và 2008, đường vào khu dân cư được bê-tông hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giao thương thuận tiện, nông sản tiêu thụ giá cao hơn. Ông Vinh cho biết, nếu không bị cơn bão năm 2006 tàn phá (mỗi hộ bị thiệt hại từ 15-25 triệu đồng) thì cuộc sống của người dân đã khá hơn nhiều.

Còn nhớ khi 22 hộ nghèo đến đây, mỗi nhân khẩu được cấp 1,5 sào ruộng lúa 2 vụ, 2.000m2 đất đồi-vườn, có nước thủy lợi đập Hóc Khế cho cánh đồng lúa là điều kiện khá lý tưởng cho các hộ nghèo tạo dựng cuộc sống hơn hẳn chỗ ở cũ. Tuy nhiên do hoàn cảnh nghèo, đông con nên họ không có điều kiện đi học tập cách làm ăn, thay đổi giống cây trồng, con vật nuôi. Từ năm 2005 đến nay, thành phố đầu tư hơn 400 triệu đồng triển khai dự án nuôi cá nước ngọt, hình thành 17 ao nuôi cá cấp cho 22 hộ, có mương tưới, mương tiêu.

Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm hỗ trợ cá giống, mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Anh Nguyễn Văn Vũ - một nông dân ở đây cho biết, những loại cá rô  phi, chép, trắm cỏ, điêu hồng đều có thể nuôi được trong các hồ ở đồng Hóc Khế. Đầu năm 2008, anh đầu tư 14 triệu đồng để nuôi cá điêu hồng, nhưng do việc sử dụng nguồn thức ăn chưa hợp lý, cá chết gần phân nửa, số còn lại qua hơn 4 tháng thả nuôi, đạt 0,3kg/con, anh vẫn có lãi hơn 6 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa.

Nông dân đang thu hoạch cá chép.
Phòng Khuyến ngư thuộc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố đánh giá, điều kiện nuôi cá ở khu vực này rất thuận lợi vì ao hồ, kênh mương tưới tiêu được xây dựng kiên cố, cả khu vực không bị ngập lụt, chủ động được nguồn nước không bị ô nhiễm lấy từ đập Hóc Khế. Các hồ nuôi có đủ điều kiện nuôi ếch phía trên và nuôi cá ở dưới, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Hiện trung tâm vẫn tiếp tục hỗ trợ gần 40% con giống, 20% nguồn thức ăn.

Các vụ nuôi thí điểm vừa qua, hầu hết các hộ nuôi đều đạt kết quả rất khả quan. Chị Phạm Thị Nhung, tổ trưởng tổ Đoàn kết nói: “Bà con rất mong Nhà nước cho mỗi hộ nuôi cá vay 7-10 triệu đồng bằng nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp để mua cá giống và thức ăn, cùng với vốn của mỗi gia đình để tạo điều kiện phát triển sản xuất cho nông dân ở đây thoát nghèo, tiến đến làm giàu”.

Bài và ảnh: QUANG MINH

;
.
.
.
.
.